Nhiều người đang ngạc nhiên trước chiến thắng “vang dội” bước đầu của tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) trong mùa hè 2014 khi chúng bành trướng ra khu vực phía bắc của cả Iraq và Syria.
Kết hợp nhuần nhuyễn các hành vi khủng bố quen thuộc như đánh bom xe với các chiến thuật quân sự chính quy, nhóm IS đang củng cố sức mạnh của mình thông qua việc bắt tay với các bộ lạc địa phương và kỹ năng điều binh của các cựu tướng trong quân đội cũ của Saddam Hussein.
Thêm nữa, IS lại có một chiến lược tuyển binh rất hiệu quả - “gia nhập chúng ta hoặc là phải chết” (theo thông tin từ một số nam thanh niên ở khu vực IS chiếm đóng), kết hợp với lời kêu gọi các phần tử Hồi giáo cực đoan tham gia thành lập một nhà nước Caliphate Hồi giáo mới trên vùng đất chiếm đóng. Đối với những người ủng hộ IS, “Nhà nước Hồi giáo” này đã minh chứng sống động cho yêu sách đòi lãnh thổ trong cuộc chiến sinh tồn của người Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới.
Không những vậy IS còn rủng rỉnh tiền bạc thu được từ việc tống tiền các doanh nhân địa phương.
Các yếu tố trên kết hợp lại sản sinh ra một phiên bản tổ chức khủng bố mới. Bruce Hoffman, một chuyên gia về khủng bố tại Đại học Georgetown, nói: “Chúng đã cải tiến những gì mà al-Qaeda từng làm, trên một quy mô lớn hơn rất nhiều”.
“Nhóm trung kiên”
Tổ chức IS do một nhóm hạt nhân lãnh đạo – những “người” này đã hiểu rõ nhau trong hàng năm trời. Những kẻ nào tỏ chút dấu hiệu phản trắc đều bị trừ khử ngay lập tức.
Các quan chức phương Tây và Arab cùng các phiến quân Syria có theo dõi nhóm IS cho biết, IS có một cấu trúc chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ với khoảng 12 lãnh đạo ở thượng tầng.
Giống một quân đội chính quy, tổ chức IS thỉnh thoảng lại tạm ngưng các chiến dịch quân sự để củng cố thành quả và nâng cấp hạ tầng hậu cần.
Nghị sĩ Mỹ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết: “Bọn chúng sử dụng một cơ cấu quản lý mà các nhóm khác không dùng”. Theo ông Rogers, Nhà nước Hồi giáo mới đây đã bổ nhiệm một bộ trưởng dầu mỏ nhằm điều phối các cơ sở năng lượng mà chúng chiếm được. Al-Qaeda (mà IS từng là một bộ phận) ít khi chiếm giữ lãnh thổ. Trong khi đó, trong một đoạn video hồi tháng 7, nhân vật Baghdadi – thủ lĩnh IS đã yêu cầu người Hồi giáo cam kết trung thành với vương quốc caliphate của y.
Hồi năm 2010, Baghdadi đảm nhận vai trò lãnh đạo chi nhánh al-Qaeda ở Iraq vốn được thành lập sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003.
Trước thời điểm 2010, chi nhánh al-Qaeda này do Abu Musab al-Zarqawi làm thủ lĩnh. Al-Qaeda Iraq phát triển quân số lên mức 10.000 chiến binh vào giai đoạn 2006-2007, khi một cuộc không kích của Mỹ kết liễu cuộc đời thủ lĩnh Abu Musab al-Zarqawi. Trong quãng thời gian ấy, vào năm 2004, Baghdadi còn đang bị giam ở trại tù Bucca - có thời điểm nơi đây giam giữ hơn 20.000 người.
Năm 2007, Baghdadi gia nhập chi nhánh Iraq của al-Qaeda. Lúc đó, chi nhánh này có tên gọi Nhà nước Hồi giáo ở Iraq – hạt giống cho tổ chức khủng bố khét tiếng IS ngày nay. Năm đó, chi nhánh bắt đầu bị thu hẹp quy mô. Quan chức tình báo Mỹ cho biết, vào thời điểm quân Mỹ rút khỏi Iraq, lực lượng của IS chỉ còn bằng 5-10% tổng quân số IS vào lúc đỉnh điểm.
Khi đảm nhận al-Qaeda ở Iraq, Baghdadi kế thừa một tổ chức có cấu trúc hình kim tự tháp, theo lời chuyên gia Charles Lister đến từ Trung tâm nghiên cứu Brookings Doha.
Các viên phó của thủ lĩnh tối cao
Trong khi các nhà phân tích vẫn đang cố gắng làm rõ chuỗi chỉ huy và các chi tiết vận hành bên trong tổ chức IS, một số thông tin đang trở nên sáng tỏ hơn.
Các chiến binh Iraq và Syria cho hay, Abu Ali al-Anbari nổi lên trong hàng ngũ al-Qaeda Iraq sau khi bị khai trừ khỏi một nhóm Sunni cực đoan Iraq khác có tên là Ansar al-Islam, do những cáo buộc về tham nhũng. Kiến thức của tên này về luật Hồi giáo Sharia không bằng được các thủ lĩnh cao cấp của IS.
Hisham al-Hashimi, một chuyên gia về chiến binh làm việc ở Baghdad, cho biết một tay phó quan trọng khác của Baghdadi là Fadel Ahmed Abdullah al-Hiyali.
Tên al-Hiyali mang bí danh Abu Muslim Al Turkmani, cũng là một cựu tướng dưới thời Saddam Hussein. Bị loại khỏi quân đội Iraq sau khi liên quân Mỹ-Anh xâm lược Iraq vào năm 2003, tên này đã gia nhập các phiến quân Hồi giáo dòng Sunni để “chiến” lại người Mỹ, chuyên gia Hashimi khẳng định. Một số chuyên gia khác coi Hiyali có vị thế ngang hàng với thủ lĩnh Anbari.
Còn chuyên gia Lister từ trung tâm nghiên cứu Brookings cho biết, thủ lĩnh tối cao Baghdadi có cả một nội các chiến tranh và một hội đồng Shura – một dạng quốc hội tập hợp các học giả tôn giáo chuyên làm luật. Ngoài ra, Nhà nước Hồi giáo có cả một Hội đồng bộ trưởng và một Hội đồng các tỉnh trưởng.
Theo giới chức Mỹ, Baghdadi đóng vai trò chỉ huy vĩ mô. Tên này có một bộ phận đưa thư riêng, chuyên giúp hắn gửi công văn, bao gồm sắc lệnh tôn giáo và mệnh lệnh quân sự.
Chuyên gia Lister cho biết, ban lãnh đạo dưới quyền của Baghdadi đầy “hoang tưởng và tập trung vào lòng trung thành tuyệt đối”. Theo Lister, khi Baghdadi ngồi vào ghế lãnh đạo IS 4 năm về trước, y đã chỉ đạo một chiến dịch ám sát bất cứ viên tư lệnh nào của mình bị nghi ngờ thiếu trung thành. Ban lãnh đạo quân sự hiện nay bao gồm những nhân vật mà Baghdadi biết rõ và tin cậy.
Lính ngoại tộc và liên minh với bộ lạc
Trong số các chiến binh nước ngoài, chỉ những ai “ưu tú nhất” mới được hiện diện nhiều. Những người đó bao gồm Abu Omar al-Shishani râu đỏ, một người tộc Chechnya từng phục vụ trong một đơn vị tình báo của quân đội Gruzia và hiện đang hoạt động ở Syria.
Chuyên gia Hashimi phân tích, trong việc chiếm đất, chiến lược của IS là khai thác mối liên minh với các lãnh đạo bộ lạc địa phương. Các thủ lĩnh địa phương này hoặc có đầu óc giống đồng minh của mình, hoặc bị hăm dọa, hối lộ hoặc cưỡng ép phải hỗ trợ hoặc cung cấp “đất thánh” cho IS.
Tổ chức IS còn tận dụng sự bất mãn trong các nhóm người Sunni đối với Thủ tướng Iraq sắp mãn nhiệm Nouri al-Maliki, người có thiên hướng ủng hộ phái Shiite khiến cho căng thẳng giáo phái tệ hại hơn.
Chuyên gia Hashimi phân tích: “Chiến lược của IS là luôn chiến đấu bên trong một không gian Sunni gần một đối phương Shiite khiến cho chúng có thêm động lực”.
Giới chức tình báo Mỹ cho rằng khả năng giữ đất của IS đã làm tăng thêm cảm giác IS đang trên thế thắng mạnh.
IS sử dụng nhiều thủ thuật tuyển người, bao gồm cả việc cưỡng ép tân binh. Kể từ tháng 7 vừa rồi hơn 6.000 chiến binh đã gia nhập hàng ngũ IS, gần 5.000 người trong số đó là người Syria, theo Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria.
Vẫn theo Tổ chức Đài Quan sát, IS huấn luyện các tân binh trong 2 trại lính, ở Aleppo và ở Raqqa. Đợt hè 2014 là đợt tuyển đông nhất kể từ hồi tháng 4/2013.
Trong số tân binh được tuyển hè vừa rồi, ước chừng 1.300 lính là đến từ bên ngoài Syria và Iraq.
Theo quan chức Mỹ, khoảng 12 người Mỹ đã sang chiến đấu bên cạnh các chiến binh IS. FBI (Mỹ) đang lần theo dấu vết của hơn 100 người Mỹ đã sang Syria chiến đấu cho các nhóm thánh chiến khác nhau.
Còn có nhiều chiến binh nữa đến từ các nước phương Tây. Các quan chức an ninh Anh ước tính 500 công dân Anh đã gia nhập hàng ngũ phiến quân ở Syria./.
Xem thêm:
>> Tổ chức Hồi giáo IS vận hành quy củ như 1 chính phủ hiện đại