Chiến dịch ném bom tăng cường của Mỹ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và sớm diễn ra ở Syria, sẽ tập trung loại bỏ các thủ lĩnh chủ chốt và phá hủy các loại vũ khí hạng nặng mà nhóm cực đoan này đang nắm giữ. Đây là tiết lộ của của các quan chức quốc phòng Mỹ với hãng truyền thông NBC News.
Các quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết Washington và các đồng minh sẽ tăng cường nỗ lực để trừ khử các nhân vật cấp cao của IS, trong đó có thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi. Theo các quan chức này, Tổng thống Barack Obama sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về “danh sách cần tiêu diệt” thông qua các cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái, với mục tiêu hàng đầu là các thủ lĩnh IS muốn tấn công các lợi ích của Mỹ. Tuần trước, 3 thành viên cấp cao của IS đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích của Mỹ, cho dù Lầu Năm Góc nói rằng đó không phải là các mục tiêu đã xác định.
Giới chức Mỹ nhận định rằng, các vụ tấn công có chọn lọc nhằm vào các thủ lĩnh của IS có thể mang lại một tác động lớn mà ví dụ điển hình là trường hợp Abu Musab al-Zarqawi, lãnh đạo của nhóm al-Qaeda tại Iraq, tổ chức tiền thân của IS. Khi al-Zarqawi bị tiêu diệt vào năm 2006, tổ chức al-Qaeda tại Iraq đã gần như tan rã trước khi trỗi dậy trở lại tại Syria.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Washington muốn các thủ lĩnh IS phải tìm cách lo cho mạng sống của mình hơn là tìm cách chống lại Mỹ. Phía Mỹ cũng dự đoán IS đang đứng trước “thời điểm cạn kiệt” các loại vũ khí hạng nặng của Mỹ mà lực lượng này thu được tại Irắc, bao gồm xe bọc thép, pháo, súng cối...Mặt khác, nguồn cung hạn chế về đạn dược, nhiên liệu và các phụ tùng không dễ thay thế sẽ nhanh chóng khiến các loại vũ khí của Mỹ mà IS đang sở hữu trở nên vô dụng.
Washington cũng tin rằng IS đang thiếu nguồn nhân lực có khả năng bảo dưỡng các trang thiết bị, cho dù các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận rằng họ không thể khẳng định chắc chắn bao nhiêu nhân viên bảo dưỡng của quân đội Iraq bị IS bắt giữ đang làm công việc này, tự nguyện hoặc bắt buộc.
Dù kỳ vọng việc mở rộng không kích sang Syria sẽ khiến khả năng quân sự của IS suy yếu nhanh chóng và đẩy lực lượng này vào thế phòng thủ, các quan chức Mỹ cũng thừa nhận nhóm phiến quân dày dặn kinh nghiệm chiến đấu này sẽ khó có thể sớm sụp đổ.
Thứ nhất là IS đang nắm giữ nguồn “hỏa lực đáng kể”, phần lớn là các loại vũ khí do Nga chế tạo mà lực lượng này chiếm được từ quân Chính phủ Syria. Không phức tạp như vũ khí và trang thiết bị của Mỹ, vũ khí do Nga chế tạo dễ bảo dưỡng hơn, và với việc rất nhiều nước đang sở hữu những kho vũ khí lớn có nguồn gốc từ Nga, IS có thể dễ dàng mua đạn dược và phụ tùng thay thế trên thị trường chợ đen.
Thứ hai, IS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn trải dài gần 650km, từ phía Nam Syria cho tới miền trung Iraq với dân số khoảng 8 triệu người. Dù phải hứng chịu hơn 150 đợt không kích của Mỹ trong tháng qua, lực lượng này vẫn không bị đẩy lùi đáng kể và vẫn đang chiếm đóng 2 thành phố lớn của Iraq là Reqqa và Mosul. Hơn nữa, IS đã cho thấy những khả năng không thể ngờ tới trong việc vận hành các nhà máy lọc dầu bằng phương pháp thủ công và tổ chức hoạt động buôn lậu một cách tinh vi để bán dầu ra thị trường chợ đen./.