Quốc hội khóa mới tại Iraq hôm qua (7/7), thông báo hoãn hơn 1 tháng phiên họp tiếp theo, vốn được xem là quan trọng trong tiến trình thành lập chính phủ mới. Trong bối cảnh nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông đang mở rộng hoạt động, quyết định này càng khiến triển vọng đưa đất nước thoát khủng hoảng trở nên mờ mịt hơn.

phien_quan_isil_zztd.jpgPhiến quân ISIL (ảnh: ahram)
Gần 1 tháng sau khi nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, với sự hỗ trợ của các nhóm bộ lạc và cựu binh dưới thời chính quyền Tổng thống Saddam Hussein phát động các cuộc tấn công giành quyền kiểm soát nhiều thành phố ở Iraq, tình hình tại quốc gia Trung Đông này ngày càng suy sụp cả về chính trị và quân sự.

Trong nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết, Quốc hội khóa mới tại Iraq đã phải nhóm họp phiên đầu tiên vào đầu tuần trước nhằm lựa chọn Chủ tịch Quốc hội và sau đó là Tổng thống chịu trách nhiệm bổ nhiệm Thủ tướng mới. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng thuận, phiên họp đầu tiên của cơ quan lập pháp tại Iraq đã kết thúc trong tình trạng hỗn loạn và phiên họp thứ 2 dự kiến trong ngày hôm nay cũng bị hoãn đến ngày 12/8. 

Có thể thấy, dù đất nước đang đứng trước bờ vực sụp đổ, song các phe phái chính trị tại Iraq vẫn không thể gạt bỏ những bất đồng và tham vọng cá nhân, khiến tình hình càng trở nên rối ren.  Trong bối cảnh này, liên tục những ngày qua, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự  lo ngại. Chính phủ Mỹ hôm qua một lần nữa khẳng định, sự đoàn kết giữa các cộng đồng người tại Iraq là cách duy nhất để đẩy lùi bước tiến của các nhóm Hồi giáo cực đoan, “một mối nguy cơ hiện hữu” đối với Iraq.

Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cũng cảnh báo, các nhóm Hồi giáo cực đoan đang tàn phá Trung Đông và đặt ra mối nguy cơ không chỉ đối với an ninh khu vực, mà còn đối với toàn thế giới.    “Mỹ, Nga và châu Âu cần phải ý thức được những gì đang xảy ra tại khu vực. Trung Đông đang bị tàn phá và điều này đang ngày càng rõ rệt. Chúng ta  không được phép để điều này xảy ra, bởi đây không chỉ là mối nguy cơ đối với khu vực mà còn đối với toàn thế giới.”

Tình hình càng trở nên bế tắc khi Quân đội Iraq tới nay vẫn không thể giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ bị nhóm nổi dậy chiếm đóng, bất chấp sự hỗ trợ của Nga về máy bay chiến đấu, cũng như sự có mặt của các cố vấn quân sự Mỹ và sự tiếp sức của các nhóm dân quân người Shiite

Theo các nhà phân tích, một trong những lý do của tình trạng này là cả lực lượng quân đội và cảnh sát tại Iraq đều mang màu sắc tôn giáo. Cùng với những chia rẽ về chính trị, sự bất lực của quân đội càng làm gia tăng sức mạnh của nhóm nổi dậy.

Chính vì thế, chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước hồi giáo trên các vùng lãnh thổ Iraq và Syria chiếm đóng (ngày 29/06), lãnh đạo của lực lượng này, ông Al Baghadai hồi cuối tuần qua đã lần đầu tiên lộ diện trong một cuốn băng ghi hình phát lại hình ảnh thành phố  Mossoul lớn thứ 2 Iraq bị chiếm đóng. Ông này được xếp vào vị trí thứ 2 trong danh sách những kẻ bị truy lùng gắt gao nhất của chính phủ Mỹ.

Nguy cơ phân rã tại Iraq cũng càng trở nên rõ rệt khi lãnh đạo người  Kurd tại Iraq Massoud Barzani quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập cho các khu vực người Kurd./.