Những bất đồng chính trị tại Iraq ngày càng sâu sắc sau khi Thủ tướng Nuri Al-Maliki tuyên bố sẽ không từ bỏ ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ 3. Người dân Iraq cũng bày tỏ những quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Ngày 4/7, Thủ tướng Nuri Al-Maliki tuyên bố sẽ không từ bỏ ý định tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 sau khi liên minh người Shiite của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lời những chỉ trích của các đảng đối lập trong nước cũng như một số chính trị gia quốc tế rằng, chính sách điều hành của ông đã và đang đào sâu những ngăn cách giữa 3 cộng đồng chính ở Iraq là Shiite, Sunni và Kurd.

thu_tuong_irq_yclr.jpg Thủ tướng Iraq Nuri Al-Maliki (Ảnh: AP)

Một số người dân vẫn bày tỏ ủng hộ việc ông Nuri Al-Maliki tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 của mình: “Người dân đã bầu cho Thủ tướng vì ông ấy là người công bằng và vì ông đã đạt được nhiều thứ cho người dân Iraq bất chấp những nỗ lực của một số người nhằm gây ra rắc rối. Chúng tôi là một đất nước dân chủ, vì thế, mọi người phải thừa nhận phiếu bầu của các cử tri”.

Trong khi đó, một số người cho rằng, việc ông không rút lui sẽ làm sâu sắc thêm những bất ổn chính trị tại Irắc. Nhiều người đã nhấn mạnh việc Chủ tịch Quốc hội Osama Al-Nujaifi rút khỏi cuộc chạy đua nhiệm kỳ mới là tạo điều kiện thành lập chính phủ mới, và cho rằng, ông Nuri Al-Maliki cũng nên có động thái tương tự. Một người dân cho biết: “Những tranh cãi về nhiệm kỳ thứ 3 của ông Maliki là nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng hiện nay. Những bất đồng tại Iraq hiện nay là do sự đeo bám quyền lực của ông Maliki. Ông phải đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân. Do đó, tôi nghĩ nhiệm kỳ thứ 3 sẽ là một thảm họa đối với Iraq. Ông An Nu-jai-fi đã làm đúng khi rút khỏi cuộc chạy đua. Chúng tôi sẽ tin vào một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, nếu không thì sẽ không có sự ổn định nào ở Irắc”.

“Nếu Thủ tướng đắc cử nhiệm kỳ 3, Iraq sẽ bị chia rẽ và vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng vì có nhiều người phản đối ông. Các vụ giết chóc liên quan đến giáo phái đang đe dọa tình hình an ninh đất nước. Tình trạng này đã kéo dài suốt 2 nhiệm kỳ của ông rồi”.

Những chia rẽ sắc tộc và giáo phái đã khiến Quốc hội mới của Iraq không thể chọn được Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống và Thủ tướng trong phiên họp đầu tiên hôm 1/7. Theo giới phân tích, việc muốn duy trì quyền lực của Thủ tướng Nuri Al-Maliki sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực thành lập chính phủ mới nhằm đoàn kết đất nước bị chia rẽ về giáo phái và sắc tộc này. Bế tắc chính trị kéo dài sẽ ngày càng nguy hiểm với mối đe dọa tới toàn vẹn lãnh thổ của Iraq./.