Hôm 25/4, ngày thứ 3 liên tiếp, các cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa quân đội Iraq và những người biểu tình, tiếp tục nổ ra tại nhiều địa phương ở Iraq.
Thống kê của các nguồn tin cho biết, chỉ tính riêng các cuộc giao tranh xảy ra tại khu vực thành phố Mosul đã khiến ít nhất 41 người bị chết và hàng chục người khác bị thương. Thương vong cũng được các nguồn tin an ninh Iraq xác nhận đã xảy ra trong các cuộc đụng độ tại nhiều khu vực khác, buộc giới chức Iraq phải ra lệnh giới nghiêm tại tất cả các khu vực xảy ra biểu tình phản đối Chính phủ.
Một cuộc biểu tình của người Iraq (ảnh: CS Monittor) |
Trước tình hình này, chiều 25/4, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã kêu gọi tiến hành đối thoại hòa giải. Trong thông điệp phát trực tiếp trên truyền hình Iraq, Thủ tướng Maliki nhấn mạnh, tất cả các bên cần lập tức chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại trực tiếp, coi đó trách nhiệm của tất cả các bên trong việc bảo vệ đất nước trước nguy cơ chia rẽ và nội chiến.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, lời kêu gọi đối thoại của Thủ tướng Iraq Maliki vào lúc này là quá muộn. Lẽ ra, người đứng đầu Chính phủ Iraq phải đưa ra động thái này từ nhiều ngày trước, ít nhất là trước khi quân đội Iraq thực hiện vụ tấn công đẫm máu vào khu vực biểu tình cự tuyệt tại al-Hauja hôm thứ 3, tạo ra làn sóng phẫn nộ dâng cao trong công chúng Iraq.
Nhà phân tích chính trị Iraq Haider Said nhận định: "Trong vòng 4 tháng qua, phong trào biểu tình luôn diễn ra trong hòa bình, bất chấp nhiều hành động tấn công và bắt giữ của các lực lượng an ninh. Lời kêu gọi đối thoại lẽ ra phải được đưa ra từ khi ấy. Tuy nhiên, vụ tấn công vào al-Hauja đã kết liễu cơ hội đối thoại và chính thức mở đường cho bạo lực. Kể từ đây, tổ chức khủng bố al-Qaeda sẽ lại có thêm cơ hội để bành trướng và phát triển ở Iraq như giai đoạn 2003-2005"./.