Ngày 25/4, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã lên tiếng cảnh báo về các âm mưu đưa quốc gia này trở lại "cuộc chiến sắc tộc" trong bối cảnh làn sóng bạo lực cướp đi tính mạng của hơn 140 người trong vòng 3 ngày qua.
Thủ tướng Maliki nhấn mạnh, mọi người dân quan tâm đến tương lai của Iraq hãy "đi đầu, không câm lặng về những kẻ muốn đưa đất nước trở lại cuộc chiến sắc tộc". Bên cạnh đó, trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia này, ông Maliki cũng kêu gọi tất cả đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay: “Tôi kêu gọi đối thoại, các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận các vấn đề. Chúng tôi tự tin và đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm thảo luận tất cả các vấn đề trên cơ sở hiến pháp, lợi ích chung và sự thống nhất của đất nước. Những gì có thể đạt được bằng đối thoại trên bàn đàm phán thì sẽ không thể đạt được bằng khủng bố và bạo lực. Những yêu cầu thực sự sẽ đạt được bằng đối thoại thông qua cơ chế hiến pháp chứ không thông qua bạo lực và lòng căm thù”.
Bạo lực bắt đầu bùng phát ở Iraq từ ngày 23/4 khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình chống chính phủ ở gần thị trấn Hawijah, miền Bắc nước này. Đụng độ đã làm ít nhất 53 người thiệt mạng và trở thành cuộc đụng độ đẫm máu nhất liên quan đến biểu tình tại các khu vực của người Sunni.
Sau vụ việc ngày 23/4, hai Bộ trưởng người Sunni đã từ chức, đưa tổng số thành viên Sunni trong Nội các của Thủ tướng Maliki từ chức lên 4 người kể từ ngày 1/3.
Sự kiện Hawijah bị cho là sẽ đào sâu thêm chia rẽ trong chính phủ của ông Maliki, vốn đã tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các đảng phái Sunni, Shiite và người Kurd xung quanh vấn đề chia sẻ quyền lực. Nhiều người Sunni tại Iraq cho rằng họ bị "gạt ra rìa" kể từ khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ trong cuộc chiến mà Mỹ phát động năm 2003. Kể từ đầu tháng 1/2013, rất đông người Hồi giáo Sunni đã xuống đường biểu tình tại nhiều tỉnh ở miền Bắc và Tây Iraq, phản đối tình trạng phân biệt đối xử đồng thời cáo buộc Thủ tướng Maliki, người Shiite, sử dụng bộ máy tư pháp để trấn áp các đối thủ chính trị./.