Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đang có chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng vùng Vịnh vốn là đồng minh thân cận của Mỹ, đặc biệt là nhằm trấn an những nước này về thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

ngoai-truong-iran.jpg
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (Ảnh: AFP)

Ngày 5/12, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gặp gỡ một số quan chức cấp cao UAE, trong đó có Tổng thống Khalifa bin Zayed al-Nahyan và Thủ tướng Mohammed bin Rashid al- Maktoum.

Tại cuộc gặp với Tổng thống al-Nahyan, Ngoại trưởng Javad Zarif bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước láng giềng, đồng thời ngỏ ý mời ông Nahyan tới thăm Tehran. Đáp lại, Tổng thống UAE đã chấp nhận lời mời, đồng thời cho biết sẵn sàng tăng cường quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với Iran.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất là điểm dừng chân mới nhất trong khuôn khổ chuyến công du khu vực của Ngoại trưởng Zarif sau Kuwait, Qatar và Oman nhằm xóa bỏ nghi ngại của các nước láng giềng Arab sau thoả thuận hạt nhân vừa đạt được với nhóm P5+1.

Trước đó, trong chặng dừng chân tại Oman, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh, thỏa thuận đạt được hồi tháng 11 vừa qua cũng nằm trong lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, chứ không phải của riêng quốc gia nào.

“Thỏa thuận đạt được là dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì sự ổn định và an ninh không chỉ của Iran, mà của tất cả các nước trong khu vực. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta nhìn thấy cơ hội để chấm dứt một cuộc khủng hoảng không cần thiết và mở ra một chân trời mới trên cơ sở tôn trọng các quyền của nhân dân Iran và giải tỏa tất cả những nghi ngại liên quan tới bản chất chương trình hạt nhân Iran”, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh.

Cũng trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Zarif đã kêu gọi Saudi Arabia hợp tác với Iran nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực. Ông nhấn manh, Iran coi "Saudi Arabia là một quốc gia đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng trong khu vực và thế giới Hồi giáo", đồng thời bày tỏ hy vọng sớm tới thăm nước này.

Trong số các quốc gia láng giềng vùng Vịnh, Saudi Arabia là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất thỏa thuận đạt được giữa Iran và P5+1.

Không phải là vô cớ khi Ngoại trưởng Zarif chọn các quốc gia láng giềng Arab tại vùng Vịnh là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đạt được thỏa thuận hồi cuối tháng 11 vừa qua. Trên thực tế, là quốc gia lớn nhất khu vực Vịnh Ba Tư, Iran ngoài nền văn hóa lâu đời còn sở hữu tiềm năng kinh tế và quân sự rất lớn. Do đó, nếu Iran và các nước láng giềng có thể giải quyết mâu thuẫn, điều này không chỉ ảnh hưởng đến vị thế của Iran trên trường quốc tế mà còn tác động đến việc lựa chọn phương thức tiếp cận nước Cộng hoà Hồi giáo của các cường quốc phương Tây.

Cần nói thêm rằng, không chỉ Saudi Arabia, mà các quốc gia Vùng Vịnh do người Hồi giáo dòng Sunni đứng đầu lâu nay luôn nghi ngờ chính quyền Iran, theo dòng Shiite, đang tìm cách thống trị khu vực và kích động xung đột giáo phái.

Chuyến công du này của Ngoại trưởng Iran cũng được xem như một cuộc đối đầu trực tiếp với Israel. Bởi song song với với các nỗ lực ngoại giao của chính phủ Iran, Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đẩy mạnh chiến dịch vận động hành lang nhằm ngăn cản một thỏa thuận cuối cùng giữa Iran và P5+1.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định, Iran đang tìm cách chế tạo bom  hạt nhân và hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố. Ông Netanyahu cũng tuyên bố, nước này sẽ ngăn cản Iran sử dụng loại vũ khí này.

“Chúng tôi tin rằng, trong thỏa thuận cuối cùng, không giống như thỏa thuận tạm thời vừa đạt được, điều quan trọng là phải ngăn chặn năng lực quân sự của Iran. Tôi đã bày tỏ lo ngại của mình từ Hội nghị Geneva rằng, không nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tôi cho rằng, cần tiến hành các bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng suy yếu của các  lệnh trừng phạt”, ông Netanyahu nói.

Theo một quan chức Iran, trong 2 tuần tới, Iran và các cường quốc sẽ phải gặp nhau để thảo luận việc thực thi thỏa thuận đạt được ngày 24/11.  Giai đoạn một của thỏa thuận dự kiến kéo dài 6 tháng sẽ có hiệu lực ngay sau khi các bên nhất trí được khuôn khổ chung.

Trong khi đó Hãng tin ISNA cho biết, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào ngày 9-10/12 tại thành phố Vienne, Áo./.