Cùng với nhiều nước và tổ chức quốc tế, nhiều nước trong thế giới Arab đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận đạt được tại Geneva, Thụy Sỹ ngày 24/11 vừa qua giữa Iran và nhóm 6 cường quốc, gọi tắt P5+1, về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi nhiều năm qua của Iran.

Trong một thông báo chính thức đưa ra hôm 25/11 được dư luận khu vực đặc biệt quan tâm, Chính phủ Saudi Arabia cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được có thể là bước đi hướng tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề, nếu các bên thực sự có thiện chí.

Theo một số nhà phân tích, đây là một sự thay đổi quan điểm căn bản của Saudi Arabia, quốc gia Vùng Vịnh luôn phản đối mạnh mẽ việc thỏa hiệp giữa phương Tây và Iran. Bởi lẽ, chỉ một ngày trước đó giới chức Saudi Arabia vẫn bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về thỏa thuận giữa Iran và P5+1.

abdullha_copy.jpg
Quốc vương Saudi Arabia Abdullah và Hoàng thân Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah tại cuộc họp Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) (Ảnh Reuters)

Cách đây ít tuần, Saudi Arabia đã từ chối giữ ghế thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một trong các nguyên nhân của hành động này được cho là có liên quan đến vấn đề Mỹ xích lại gần Iran.

Cùng với Saudi Arabia, một loạt các quốc gia thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và bản thân tổ chức quy tụ 6 nước vùng Vịnh này, cũng đã chính thức lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Với một thái độ hưởng ứng tương tự, một số quốc gia Arab khác như Ai Cập, Algeria cũng đã tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận, coi đó là tín hiệu tích cực và có lợi cho an ninh, ổn định và hòa bình khu vực.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Iran hôm 25/11 bác bỏ thông tin nói rằng nước này đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với Mỹ trước khi kí thỏa thuận tại Geneva.

Nguồn tin Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, Tehran và Washington không tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại nào về vấn đề hạt nhân của Iran ngoài tiến trình đàm phán công khai giữa Iran với nhóm P5+1 tại Geneva./.