Hôm qua (10/4), Iran thông báo đưa gần 200 máy ly tâm tiên tiến với tốc độ làm giàu uranium nhanh hơn vào hoạt động, giữa lúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang diễn ra tại Áo chuyển biến tích cực, song chưa đủ để “thành công”. Bước đi mới nhất của Iran được cho là một động thái nhằm gây áp lực lên Mỹ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra lệnh đưa vào hoạt động 164 máy ly tâm IR-6 và 30 máy ly tâm IR-5 tại cơ sở hạt nhân Natanz. Đây là các loại máy ly tâm có khả năng làm giàu urani nhanh hơn so với loại máy ly tâm thế hệ đầu tiên của Iran (IR-1) - loại duy nhất mà Iran được phép sử dụng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Do đó, động thái mới nhất của Iran đồng nghĩa quốc gia Trung Đông này tiếp tục vi phạm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Iran vẫn khẳng định, chương trình hạt nhân mà nước này đang thực hiện chỉ phục vụ mục đích hòa bình: “Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng, tất cả các hoạt động hạt nhân của chúng ta đều vì mục đích hòa bình, không vì mục đích quân sự. Đúng như nhà lãnh tụ tối cao đã nhấn mạnh nhiều lần, theo đuổi một loại vũ khí hủy diệt có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với một cộng đồng. Đây không phải là điều mà Iran đang làm".
Bước đi mới của Iran diễn ra đúng như lời của Thứ trưởng Ngoại giao nước này Abbas Araqchi đưa ra khi ông đang ở Vienna, Áo để đàm phán “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân - rằng nước này sẽ không ngừng hay giảm tốc độ các hoạt động hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu urani ở mức 20% tinh khiết cho tới khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Giới phân tích cho rằng, với việc đưa thêm các máy ly tâm tiên tiến vào hoạt động, Iran đang gây thêm áp lực lên Mỹ để nước này “nhượng bộ” hơn trong đàm phán.
Thực tế, các cuộc đàm phán hạt nhân tại Áo đang được đánh giá chuyển biến tích cực dưới sự dẫn dắt của các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Iran khẳng định, có dấu hiệu cho thấy người Mỹ đang cân nhắc việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Tehran. Trong khi, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận, đã thấy một vài dấu hiệu về sự nghiêm túc của Iran trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, song điều đó “chắc chắn vẫn chưa đủ".
Dự kiến, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Áo sẽ tiếp tục diễn ra vào đầu tuần tới. Các nước dẫn dắt đàm phán khẳng định, các bên đang thu hẹp dần khác biệt; đồng thời hi vọng đà đàm phán tích cực sẽ được duy trì trong các cuộc đàm phán tới đây.
Tuy nhiên, thực tế, cả Iran và Mỹ không quá kỳ vọng vào 1 sự đột phá lớn. Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tái khẳng định quan điểm của nước này là sẽ không có các cuộc đàm phán trực tiếp hay gián tiếp nào với Mỹ nếu các lệnh trừng phạt không được gỡ bỏ.
Còn giới chức Mỹ cho rằng, quan điểm “cứng rắn” như vậy của Iran có thể đưa các cuộc đàm phán hiện nay vào sự bế tắc và phái đoàn Mỹ có thể về nước bất cứ khi nào./.