Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến về tình hình dịch Covid-19, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 của Indonesia, ông Wiku Adisasmito, cho biết Indonesia đã thành công trong việc kiểm soát sự lây nhiễm của biến thể Omicron.
Số ca nhiễm mới Covid-19 trong tuần này đã giảm 64% so với thời điểm “đỉnh” dịch Covid-19 lần thứ ba hồi giữa tháng 2/2022.
Vào ngày 16/2, Indonesia từng ghi nhận số ca nhiễm Omicron ở mức kỷ lục là hơn 64.000 ca, vượt đỉnh Covid-19 do biến thể Delta gây ra. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Indonesia chỉ còn khoảng trên dưới 10.000 ca và tỷ lệ giường bệnh Covid-19 giảm còn 21%. Khoảng 55% trong tổng số hơn 273 triệu dân Indonesia đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19.
Tuy dịch Covid-19 giảm song chính quyền Indonesia cho biết nước này chưa chuyển Covid-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi hôm nay (16/3) cho biết, các chỉ số để có thể chuyển thành bệnh đặc hữu gồm: tỷ lệ ca dương tính dưới 5%, tỷ lệ giường bệnh Covid-19 dưới 5%, tỷ lệ tử vong dưới 3% và các lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) được áp đặt ở cấp độ 1 – cấp độ thấp nhất. Các chỉ số phải đạt được trong một giai đoạn nhất định, chẳng hạn trong 6 tháng. Trong giai đoạn bệnh đặc hữu, các ca mắc Covid-19 có thể tiếp tục xuất hiện nhưng không làm ảnh hưởng các hoạt động xã hội, tôn giáo, du lịch…
Theo bà Siti Tarmizi, Indonesia chưa đạt các chỉ số này và chính phủ đang phối hợp với các chuyên gia y tế xây dựng lộ trình chuyển Covid-19 thành bệnh đặc hữu với 03 giai đoạn: giai đoạn giảm tốc độ các ca mắc Covid-19; giai đoạn bệnh được kiểm soát và giai đoạn tuyên bố bệnh đặc hữu. Hiện chính phủ Indonesia đã dần nới lỏng các chính sách liên quan Covid-19 như thực hiện PPKM cấp độ 2, bãi bỏ quy định xét nghiệm PCR với du khách nội địa đã tiêm chủng, giảm thời gian cách ly cho du khách nước ngoài còn 1 ngày, mở rộng việc cấp thị thực tại cửa khẩu…
Trong khi đó, một số nhà dịch tễ học Indonesia kêu gọi chính quyền cần tiếp tục thận trọng trong xử lý dịch Covid-19 do tỷ lệ tiêm liều vaccine tăng cường của Indonesia chưa cao và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 còn có thể xuất hiện .
Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người cao tuổi, đặc biệt là cho những người từ 80 tuổi trở lên, do dữ liệu lâm sàng cho thấy 65% các ca bệnh nghiêm trọng ở nước này là những người từ 60 tuổi trở lên và 65% những người cao tuổi bị bệnh nặng do chưa được tiêm chủng.
Ông Vương Hoa Khánh, chuyên gia trưởng về miễn dịch học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), ngày 15/3 cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, sự phổ biến của biến thể Omicron đã gây ra các tác hại lớn hơn cho người cao tuổi.
Số người già tử vong hoặc bệnh chuyển nặng do không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã vượt mức cao nhất trong lịch sử, do vậy Covid-19 chưa thể được coi như một bệnh cúm thông thường trong bối cảnh hiện tại.
Chỉ trong 14 ngày đầu tháng 3, nước này đã có thêm hơn 15.000 trường hợp dương tính trong nước, ảnh hưởng tới 28 trên 31 tỉnh thành trong cả nước do biến thể Omicron.
Còn theo ông Lôi Chính Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nước này đang đẩy mạnh tiêm phòng cho người cao tuổi, đặc biệt là những người từ 80 tuổi trở lên.
Đến nay, Trung Quốc đã tiêm được hơn 3,2 tỷ liều vaccine cho hơn 1,27 tỷ người, trong đó gần 1,24 tỷ người đã tiêm đủ 2 liều. Hơn 211 triệu trong tổng số khoảng 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên cũng đã hoàn thành tiêm chủng tính đến 14/3.
Dữ liệu lâm sàng cho thấy, 65% các ca Covid-19 nghiêm trọng ở Trung Quốc là những người từ 60 tuổi trở lên và 80% trong số họ mắc các bệnh nền. Theo NHC, trong số những trường hợp nghiêm trọng liên quan đến người cao tuổi, 65% chưa tiêm chủng.
Hiện Trung Quốc đang đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi với việc tiêm vaccine cùng loại hoặc tiêm trộn, nhằm củng cố hàng rào miễn dịch./.