Ngày 16/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trong năm 2021, đã có thêm 4,7 triệu người rơi vào diện cực nghèo ở khu vực Đông Nam Á do đại dịch Covid-19. Điều này đã làm đảo ngược những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo, ADB thúc giục các quốc gia phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Theo ADB, năm 2021, Đông Nam Á có 24,3 triệu người thuộc diện nghèo cùng cực, chiếm 3,7% trong tổng số 650 triệu dân của khu vực này.
Trước đại dịch, số người nghèo cùng cực ở Đông Nam Á đã giảm xuống. Cụ thể, năm 2019, con số này là 14,9 triệu người, giảm 18 triệu người so với năm 2018 và 21,2 triệu người so với năm 2017.
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: “Đại dịch đã làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng, làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp và mức độ nghèo đói, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á”.
Ông Asakawa cũng kêu gọi các chính phủ nên cải thiện hệ thống y tế, hợp lý hóa các quy định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng công nghệ để tăng tốc độ tăng trưởng”.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế sụt giảm và hàng triệu người thất nghiệp.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khu vực Đông Nam Á sẽ là 5,1%, song con số này có thể giảm xuống còn 4,3% nếu biến thể Omicron lây lan rộng hơn và gây ra các cú sốc cung - cầu. Tuy nhiên, dự báo trên vẫn chưa xét đến các tác động kinh tế từ khủng hoảng Nga-Ukraine.
Trước những ảnh hưởng từ cuộc xung đột này, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần phải xem xét lại các kịch bản cho năm 2022, nguy cơ tăng trưởng kém và giá cả leo thang có thể trở thành rào cản cho các kế hoạch thiết lập chính sách tiền tệ./.