Trong cuộc họp kín để lập bản đồ chiến dịch bảo vệ an ninh vùng biển Bắc Natuna, ngày hôm qua (3/1), Tư lệnh Bộ chỉ huy Quốc phòng liên khu I, Chuẩn đô đốc Yudo Margono cho biết, quân đội Indonesia đã lên kế hoạch sẵn sàng chiến đấu trước các sự xâm nhập tại vùng biển Bắc Natuna, thuộc quần đảo Riau của Indonesia.

bdong_wvcp.jpg
Quân đội Indonesia tăng cường sức mạnh trên biển. Ảnh: Tempo.com

Theo Chuẩn đô đốc Yudo Margono, Indonesia huy động tất cả các lực lượng từ không quân đến hải quân để kiểm soát an ninh hàng hải, đặc biệt là tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia phía Bắc Natuna sau khi các tàu cá với sự hỗ trợ của tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện đánh bắt cá bất hợp pháp tại đây. Cụ thể, quân đội Indonesia đã triển khai ba tàu chiến, một máy bay trinh sát hàng hải, một máy bay quân sự Boeing của Quân đội Indonesia và hai tàu chiến khác cũng đang trên đường đến khu vực biển Natuna. 

Ngày 3/1, Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia thông báo đã bắt giữ 3 tàu cá, 36 thuyền viên và một số cảnh sát biển của Trung Quốc. Ông Edhy Prabowo, Bộ trưởng Bộ hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, ngày 30/12 tàu Hải cảnh Trung Quốc với số hiệu CCG4301 đã hộ tống các tàu cá Trung Quốc bắt cá tại vùng biển Bắc Natuna trái phép. Tàu chiến Tjiptadi của Indonesia đã đuổi bắt các tàu cá này song gặp phải sự cản trở của tàu hải cảnh Trung Quốc. Trước hành động xâm nhập trái phép này, Indonesia đã hành động cứng rắn khi triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, đưa ra tuyên bố về những vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế nước này. 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Indonesia ở vùng biển Natuna. Năm 2016, sự việc tương tự đã xảy ra, thậm chí đã có cuộc đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của Indonesia. Phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh thời điểm đó cho rằng vụ việc xảy ra ở khu vực đánh bắt cá của Trung Quốc và cáo buộc tàu vũ trang Indonesia đã tấn công tàu cá Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc cấp hộ chiếu trong đó có hình ảnh "đường chín đoạn" lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại biển Natuna.

Tới sự việc lần này, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng lại một lần nữa lớn tiếng cho rằng Trung Quốc có chủ quyền ở vùng biển này vì ngư dân của họ từ lâu đã đánh bắt cá ở đây.

Các động thái của Trung Quốc dường như đang thách thức Tổng thống Joko Widodo, người đang cố gắng bảo vệ lãnh thổ của Indonesia trên biển khỏi sự xâm lấn bất hợp pháp.

Trước tình hình này, Indonesia đã tổ chức phiên họp toàn thể liên Bộ nhằm củng cố vị thế Indonesia và ứng phó với sự xâm nhập của Trung Quốc trên biển Đông. Tại đây, Indonesia đã một lần nữa khẳng định không bao giờ công nhận tuyên bố về "đường chín đoạn" của Trung Quốc bởi nó không có cơ sở pháp lý và không được luật pháp quốc tế công nhận. Các bộ ban ngành liên quan của Indonesia sẽ phối hợp chặt sẽ với quân đội, cơ quan hàng hải và Bộ hàng hải và ngư nghiệp Indonesia để bảo vệ luật pháp tại vùng đặc quyền kinh tế nước này./.