Cảnh sát Indonesia hôm 8/7 đã bắt giữ một đối tượng tinh nghi là thành viên phiến quân Hồi giáo âm mưu đánh bom một số địa điểm công cộng tại Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java của nước này.

canh_sat_indonesia_ysxc.jpg
Cảnh sát Indonesia. Ảnh: Worldbulletin.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh thời gian gần đây tại các nước Đông Nam Á xảy ra nhiều vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành, trong đó có cả những vụ được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thừa nhận thực hiện.

Theo cảnh sát địa phương, đối tượng bị bắt giữ có tên là Agus Wiguna, 21 tuổi, làm nghề bán hàng ăn.

Agus Wiguna bị bắt giữ ngay sau khi xảy ra một loạt vụ nổ tại căn hộ người này thuê ở Bandung mà qua điều tra, cảnh sát xác định thiết bị gây nổ đều là bom tự tạo phục vụ các âm mưu tấn công khủng bố. Những quả bom này đã bị kích hoạt nhầm và không gây trường hợp thương vong nào.

Qua điều tra, cảnh sát Indonesia phát hiện từ ngày 1/6, Agus Wiguna đã sử dụng các thông tin được thu thập từ một trang thông tin điện tử của một nhóm phiến quân phục vụ mục đích tự chế tạo bom. Tại hiện trường vụ nổ, cảnh sát Indonesia phát hiện một nồi áp suất chứa đinh và một số bom nồi áp suất đã phát nổ.

Theo cảnh sát trưởng thành phố Bandung, nghi can đã khai nhận có âm mưu đặt bom ở một số địa điểm công cộng ở thành phố, bao gồm 1 nhà hàng, 1 nhà thờ và 1 quán cà phê, điểm đến quen thuộc nổi tiếng của du khách. Theo đó, Cafe Bali là mục tiêu tấn công đầu tiên và âm mưu này sẽ được thực hiện trong ngày 16/7.

Hiện chưa rõ lý do khiến nghi can lựa chọn 3 địa điểm nói trên, song theo lời khai của tên này, các cuộc tấn công đều có chung mục tiêu nhằm vào người "không phải đạo Hồi".

Những âm mưu tấn công bị phát hiện trong bối cảnh thời gian gần đây tại các nước Đông Nam Á xảy ra nhiều vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành, trong đó có nhiều vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã thừa nhận thực hiện. Điều này khiến nhiều người lo ngại, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tìm cách thiết lập "chân rết" tại khu vực Đông Nam Á do bị truy quét mạnh tại Syria và Iraq.

Nguy cơ trở nên rõ hơn cả khi một nhóm phiến quân quân Hồi giáo nổi loạn tại thành phố Marawi của Philippines vào ngày 23/5 sau khi lực lượng an ninh nước này đột kích một ngôi nhà nghi là nơi ẩn náu của Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Abu Sayyaftuyên bố trung thành với IS. Tham gia vụ này còn có các tay súng nước ngoài mang quốc tịch Malaysia, Indonesia và Singapore. Chỉ sau đó một ngày đã xảy ra hai vụ nổ liên tiếp tại trạm xe buýt nhanh ở khu vực phía Đông thủ đô Jakarta của Indonesia vào tối 24/5, khiến 3 cảnh sát thiệt mạng và 10 người bị thương. IS đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công này.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhận định: “Mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt đang ở rất gần. Không hành động không phải là một lựa chọn. Ngược lại, chúng ta cần phải có hành động cụ thể và nhanh chóng. Mối đe dọa khủng bố đang gây lo ngại không chỉ với sự tham gia các tay súng khủng bố nước ngoài mà còn cả yếu tố truyền thông xã hội. Do đó, sự hợp tác của các nước trong khu vực là điều rất cần thiết”.

Trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Đông nam Á, theo Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman, các nước cần phải tham gia vào một hệ thống hiệu quả để nhận diện và chống các hành động khủng bố. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan an ninh của mỗi nước cần phải đề cao cảnh giác, đồng thời phải chia sẻ thông tin tình báo, đặc biệt là các chiến binh trở về từ Syria và Iraq, cũng như chia sẻ những sáng kiến mới và hiệu quả trong việc ngăn chặn khủng bố và cực đoan./.