Trong buổi họp báo hôm qua, người phát Ngôn Bộ Y tế Indonesia, Siti Nadia Tarmizi cho biết, các ca mắc biến thể Omicron ở Indonesia chủ yếu làn các công dân Indonesia mới trở về trên các chuyến bay. Trong tổng số 254 ca mắc biến thể mới ở Indonesia có 239 ca nhập cảnh và 15 ca lây truyền trong cộng đồng. Từ kết quả theo dõi, hầu hết đều ở mức độ nhẹ và không có triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến nhất là ho (49%) và sổ mũi (27%).
Theo Bộ Y tế Indonesia, biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 24 tháng 11 năm 2021 tại Nam Phi, hiện nay Omicron đã được phát hiện ở nhiều quốc gia khác nhau và dự báo sẽ tiếp tục lây lan. Ở cấp độ quốc gia, sự di chuyển của Omicron cũng tiếp tục gia tăng kể từ lần đầu tiên được xác nhận xâm nhập Indonesia vào ngày 16 tháng 12 năm 2021.
Do đó, Bộ Y tế Indonesia đã ban hành thông tư nhằm tăng cường sự hiệp lực giữa chính quyền Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường nhận thức trong việc quản lý các ca bệnh ở các cơ sở dịch vụ y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế Indonesia cũng khuyến khích các khu vực tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị, tích cực giám sát nếu phát hiện các cụm COVID-19 mới, đặc biệt là các ca mắc Omicron ở cấp địa phương. Người dân cũng được khuyến khích thực hiện nghiêm các giao thức y tế và lập tức tiêm chủng vaccine Covid-19.
Hiện nay đã có hơn 114 triệu người Indonesia tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, chiếm 55% mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu dân. Ngoài ra, Indonesia cũng đã thực hiện tiêm mũi tăng cường cho 1,2 triệu cán bộ y tế. Hiện tại, quốc gia này vẫn tiếp tục tiêm chủng vaccine cho người dân, bao gồm trẻ em từ 6-11 tuổi. Từ ngày 12/1 tới đây, Indonesia sẽ lên kế hoạch tiêm liều bổ sung vaccine Covid-19 theo hình thức miễn phí và trả phí./.