Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết, lệnh PPKM tiếp tục được thực hiện bên ngoài đảo Java và Bali đông dân từ ngày hôm nay (4/1) cho đến ngày 17/1/2022. Theo đó, số lượng các quận huyện, thành phố áp dụng PPKM cấp độ 1 - cấp độ phòng chống dịch thấp nhất - sẽ tăng từ 191 khu vực lên 227 khu vực; trong khi các địa điểm áp dụng PPKM cấp độ 3 giảm từ 26 khu vực còn 11 khu vực.
Tính đến nay, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Indonesia được duy trì ở mức thấp, có thể kiểm soát là 0,98%. Tuy nhiên, các ca nhiễm biến thể Omicron liên tục được phát hiện trong những ngày qua. Hiện Indonesia đã ghi nhận hơn 160 ca nhiễm Omicron, phần lớn là các trường hợp nhập cảnh và có ít nhất 03 ca nhiễm Omicron trong cộng đồng.
Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại, nhất là khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron, ngoài việc gia hạn lệnh PPKM, chính phủ Indonesia cũng chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng vaccine mũi thứ ba tăng cường ngừa Covid-19 cho khoảng 21 triệu dân, dự kiến bắt đầu từ ngày 12/1. Indonesia đang tăng cường thuốc men, thiết bị, giường bệnh và nhân lực cho hệ thống y tế, đồng thời yêu cầu người dân duy trì nghiêm các giao thức y tế như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách...
Theo Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga, chính phủ Indonesia đã quyết định phân bổ ngân sách 414 nghìn tỷ Rupiah cho chương trình hồi phục kinh tế quốc gia và xử lý dịch bệnh Covid-19 (PC-PEN) năm 2022. Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế theo quý của Indonesia có thể đạt mức từ 4,5% đến 5%, trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 3,7% đến 4%./.