Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Gunadi Sadikin hôm qua (13/6) cho biết dựa trên các quan sát thì làn sóng lây nhiễm biến thể phụ BA4, BA5 thường đạt đỉnh điểm khoảng 1 tháng sau khi các nước phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên.
Hôm 10/6, Indonesia đã công bố các ca đầu tiên nhiễm dòng phụ này. Ngay sau đó, số ca mắc mới Covid-19 ở Indonesia đã tăng lên hơn 500 ca/ngày, nhiều nhất là ở Thủ đô Jakarta. Do vậy, chính phủ Indonesia đánh giá vào tuần thứ 2 hoặc tuần thứ 3 của tháng 7, Indonesia có thể chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt trở lại.
Các nhà dịch tễ học Indonesia cảnh báo các dòng phụ BA4, BA5 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh và nhiễm vào cả những người đã mắc Covid-19 hoặc đã tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Tuy nhiên, dòng phụ BA4, BA5 có thể không gây tỷ lệ tử vong và nhập viện nhiều như các biến thể trước đây.
Chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các giao thức y tế như: đeo khẩu trang ở nơi đông người ngoài trời, yêu cầu những người tham dự sự kiện công cộng lớn như thể thao, âm nhạc…phải tiêm liều vaccine tăng cường.
Đến nay, mới có khoảng 47,7 triệu người, tương đương 28% trong tổng dân số mục tiêu tiêm chủng của Indonesia, đã được tiêm liều vaccine tăng cường. Trong khi đó, hơn 168 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Kết quả cuộc khảo sát huyết thanh do chính phủ Indonesia thực hiện vào tháng 3 năm nay cho thấy hơn 99% dân số Indonesia có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19./.