Phát biểu tại cuộc họp với Ủy ban Ngân sách Hạ viện (DPR), ông Binsar Pandjaitan kêu gọi người dân đoàn kết để đối phó với đại dịch vì đất nước không thể kéo dài tình trạng với các biện pháp hạn chế quá lâu.
Ông Pandjaitan cho biết đã thảo luận với Tổng thống Indonesia Joko Widodo về việc giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong hai tháng tới trước khi thay đổi tình trạng đại dịch. Theo đó, nếu Covid-19 được kiểm soát thành công trong suốt tháng 6 và tháng 7, Indonesia có thể thông báo Covid-19 là căn bệnh đặc hữu trong Ngày Quốc khánh 17/8. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh người dân cần phải tuân thủ các kỷ luật về y tế, đặc biệt là về việc tham gia tiêm chủng.
Trưởng nhóm đặc nhiệm của Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI), Giáo sư Zubairi Djoerban cũng cho biết, dựa trên chỉ số dịch tễ học, dịch Covid-19 ở Indonesia đang bước vào giai đoạn căn bệnh đặc hữu vì tỷ lệ mắc mới ổn định, ở mức dưới 3%. Tỷ lệ giường bệnh và tỷ lệ tử vong cũng rất thấp. Ông cho rằng trong hơn hai năm qua, người dân đã quen với từ "đại dịch", và bây giờ họ cũng nên quen với các thuật ngữ "chuyển tiếp" và "căn bệnh đặc hữu".
Hiện có sự gia tăng các ca lây nhiễm gần đây tại Indonesia khi số ca mắc Covid-19 hàng ngày đạt 500 ca trong ba ngày liên tiếp. Tuy nhiên các chuyên gia y tế Indonesia cho rằng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, tỷ lệ thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng hay những nước trên thế giới đã tuyên bố Covid-19 là căn bệnh đặc hữu./.