Hiện nay nhiều tỉnh trên toàn Indonesia đã ban bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt. Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia yêu cầu các địa phương sẵn sàng đối mặt với thảm họa thủy văn tiềm ẩn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất trong bối cảnh dịch Covid-19.

Lũ lụt lớn đã nhấn chìm hàng chục huyện ở Trung Kalimantan và Tây Kalimantan của Indonesia trong 15 ngày qua, khiến chính quyền hai tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Adi Cahyono, người đứng đầu tổ chức tình nguyện Trung Kalimantan Indonesia cho biết lũ lụt đã ảnh hưởng đến 4.509 gia đình ở 9 quận tỉnh miền Trung Kalimantan, hơn 16.000 người dân phải đi sơ tán.

Ít nhất nhất 4.000 ngôi nhà và các công trình bị hư hại. Ông Adi cho biết mực nước cao nhất được ghi nhận vào ngày thứ tám của trận lũ, lên tới 3,5m. Trận lũ này được coi là tồi tệ nhất ở Trung Kalimantan trong 15 năm qua.

Trong khi đó tại miền Tây Kalimantan, 15 khu vực tại quận Ketapang chìm trong biển nước sâu tới 2,5m. Theo ông người đứng đầu Raditya Jati Trung tâm Thông tin Dữ liệu và Truyền thông về Thảm họa của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai khu vực, có 270.000 người dân tại 20 quận khác ở Ketapang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân các khu vực này sơ tán khỏi nhà, tuân thủ các giao thức y tế để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19

Trước đó, thảm họa lũ quét ở Sukabumi, đảo Java hồi đầu tuần khiến 2 người thiệt mạng và một số cư dân vẫn đang mất tích.  Ít nhất 127 ngôi nhà và các công trình bị hư hỏng.

Những trận mưa lớn cũng gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại một số khu vực khác ở Indonesia, bao gồm cả Jakarta và một phần của miền Tây Java.

Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia đã đưa ra chỉ đạo cho chính quyền địa phương trên khắp Indonesia đưa ra các cảnh báo sớm về thời tiết và chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các thảm họa thủy văn tiềm ẩn, như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng khả năng sẵn sàng ứng phó, bằng cách tiến hành xã hội hóa, và giáo dục về tiềm năng phòng chống lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất bằng phương tiện truyền thông và mạng xã hội, chú ý đến các giao thức y tế đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19./.