Dự án đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Jakarta và Bandung, thành phố đông dân thứ 4 của Indonesia trên cùng đảo Java đã có những bước phát triển mới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại quốc gia này.
Dự án Đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung khởi động năm 2016 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã trở thành một trong những dự án chiến lược quốc gia của chính phủ Indonesia. Dự án này xây dựng tuyến đường bao gồm 71,63 km trên mặt đất, 53,54 km trên cao và 15,63 km dưới lòng đất. Có 4 ga dừng nghỉ bao gồm Halim, Karawang, Walini và Tegal, được tích hợp với các chế độ vận chuyển hàng loạt. Tuyến đường sắt dài 142,3 km này được sử dụng cho các đoàn tàu với tốc độ tối đa lên tới 350 km/h. Du lịch giữa Jakarta và Bandung, vốn mất hơn ba giờ trước kia nay sẽ được rút ngắn xuống còn 40 phút.
Tuy nhiên, kể từ khi khởi công xây dựng đến nay, dự án đã gặp một số vấn đề liên quan tới việc thu hồi đất, nguồn vốn và dịch Covid-19, khiến việc xây dựng bị đình trệ. Dự án ban đầu dự kiến khánh thành vào năm 2019, nhưng hiện tại có thể kéo dài tới 2022. Một đánh giá của chính phủ Indonesia chỉ ra chi phí của dự án có thể lên 6 tỷ USD, cao hơn mốc 5,5 tỷ USD dự tính trước đó.
Tháng 11/2019, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, ông Erick Thohir cho biết sẽ thành lập một đội đặc nhiệm kiểm soát dự án để không bỏ lỡ thời hạn hoàn tất năm 2022. Vào giữa tháng 2/2020, dự án mới chỉ đạt tiến độ 44% và việc mua lại đất đạt 99,96%.
Đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh Covid-19
Vào tháng 5 vừa qua, khoảng 4.000 công nhân từ Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã an toàn trước dịch Covid-19 trở lại làm việc tại Indonesia. Hầu hết các kỹ thuật viên chính của Trung Quốc đã bắt đầu tiếp tục dự án trong khi tuân thủ các giao thức y tế. Cho đến nay, đường hầm số 5 và số 3 đã được hoàn thành. Lá chắn đường hầm số 1 và công việc đặt đường ray cũng đã được phát triển tốt.
Hiện tại, Indonesia đang thảo luận đề xuất kết hợp tuyến Jakarta-Bandung với tuyến Jakarta- Surabaya mà Nhật Bản và Indonesia đang nâng cấp. Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành để xem xét khả năng đưa phía Nhật Bản vào dự án thay cho Trung Quốc.
Nhiều ý kiến trong chính phủ Indonesia cho rằng, một tuyến đường chạy từ Bandung tới Surabaya sẽ hiệu quả hơn là việc xây các tuyến đường riêng chạy về phía đông và đông nam từ thủ đô. Ngoài ra, việc chi phí của dự án Jakarta - Bandung bị đội lên cao cũng được xem là một điểm để phía Indonesia cân nhắc tới sự tham gia của Nhật Bản.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang ủng hộ một số dự án lớn khác bên cạnh đường sắt cao tốc. Một đập thủy điện trị giá 1,6 tỷ USD được hỗ trợ bởi Ngân hàng Trung Quốc đã được đề xuất cho Bắc Sumatra. Trên đảo Borneo, một công ty nhà nước Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy thủy điện trị giá gần 18 tỷ USD.
Mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh cùng hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính đã giúp Tổng thống Indonesia, Joko Widodo mang lại nhiều việc làm cho Indonesia. Nhưng đồng thời cũng nguy cơ thúc đẩy việc Indonesia đang rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc và vô tình tham gia vào “Vành đai và Con đường” của quốc gia này./.