Đặc phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách khu vực Hồ Lớn (Great Lakes) đồng thời là cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson hôm 2/9 trong chuyến thị sát tới thành phố bất ổn Goma nhằm thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 18 tháng qua giữa lực lượng Cộng hòa Dân chủ Congo và lực lượng chống đối.

Bà Robinson khẳng định, nhóm phiến quân M23 ở miền Đông đã đến lúc phải từ bỏ bạo lực, giải giáp vũ khí theo yêu cầu của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Bởi đây là thời điểm thích hợp nhất cho những cơ hội chính trị tại Congo.

congo_copy.jpg
Thắng lợi của quân chính phủ tạo tiền đề cho đàm phán hòa bình tại Congo (Ảnh Reuters)

Kêu gọi của bà Robison đưa ra là có cơ sở, bởi thời gian qua quân đội Congo với sự hỗ trợ của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã giành nhiều chiến thắng đáng khích lệ, từng bước đẩy lui nhóm vũ trang M23 ra khỏi những khu vực trọng yếu của đất nước.

Mới đây nhất, chiến dịch tối 30/8 do quân đội nước này và Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Congo phối hợp thực hiện đã khiến nhóm vũ trang M23 phải rút khỏi các khu vực xung quanh thành phố mỏ Goma trong một động thái được nhóm này giải thích là nhằm "tạo ra một môi trường thuận lợi" cho một giải pháp chính trị.

Giành được Goma được coi là chiến thắng vang dội, là bước đột phá ngoạn mục nhất của chính phủ nước này kể từ khi xung đột bùng phát.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại thành phố mỏ chiến lược này, bà Robinsonnhấn mạnh, đây là cơ hội “không thể bỏ qua” để thúc đẩy một giải pháp chính trị, mở ra hi vọng mới cho một nền hòa bình bền vững cho Congo.

Bà Robinson đồng thời tái khẳng định sự can thiệp kịp thời của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Congo là quyết định đúng hướng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: “ Sự can thiệp quân sự của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã không làm phức tạp hóa  tình hình mà ngược lại đó là việc làm cần thiết. “

“Đến nay, Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến hàng ngày. Quan trọng nhất bây giờ  là chấm dứt các cuộc tấn công vào Goma, vào Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và vào người dân Congo".

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, cuộc giao tranh gần đây đã lôi kéo một nhóm phiến quân ở Uganda tham gia, khiến hơn 100.000 người phải di dời chỗ ở, làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở khu vực này với 2,6 triệu người mất nhà ở và 6,4 triệu người cần lương thực cũng như viện trợ khẩn cấp.

Trong năm ngoái, chính phủ Congo đã nỗ lực tổ chức nhiều cuộc đàm phán hòa bình ở Kampala, thủ đô nước láng giềng Uganda song gần như đã lâm vào bế tắc một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, lần này bà Robinsonkhẳng định: “ Những  vòng đàm phán lần này sẽ phải khác. Đặc biệt, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ mở rộng trên phạm vi quốc tế.”

“Mỗi lần tôi đến Goma là để tìm hiểu những vấn đề liên quan, trong đó có vai trò tiềm năng của Rưanda, khả năng hợp tác với M23 cũng như những gì đang xảy ra ở đây. Đây cũng là những vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang quan tâm”.

Chuyến thị sát của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Robinson diễn ra giữa lúc quân đội Congo đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới vào căn cứ của M23 tại Kibuma cách Goma khoảng 30km về phía Bắc.

Theo kế hoạch, ngày 5/9 tới, bà Robinson sẽ tham dự hội nghị nhằm lập lại hòa bình ở miền Đông Congo  tổ chức tại thủ đô Kampala của Uganda, với sự tham gia của phái đoàn 11 nước trong khu vực. Sau đó, bà sẽ tới thăm Rwanda, quốc gia mới đây tiếp tục bị Liên Hợp Quốc cáo buộc trợ giúp cho phiến quân M23.

Phiến quân M23 nguyên là quân đội người Tutsi sáp nhập vào quân đội Congo từ năm 2009, song đã đào ngũ từ đầu năm 2012 do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt. 
Năm ngoái, phiến quân này cùng với các nhóm vũ trang khác đã thường xuyên xung đột với quân chính phủ ở khu vực miền Đông và chiếm được thành phố trọng yếu chỉ trong một thời gian ngắn vào tháng 11 trước khi rút khỏi vào tháng 12 năm ngoái ./.