Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm nay tiếp tục đối mặt với những yêu cầu gia tăng các biện pháp thắt lưng buộc bụng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone và Hội nghị thượng đỉnh khối tại Brussels (Bỉ).
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải đầu hàng trước các chủ nợ (ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, tại chính thủ đô Athens của Hy Lạp, ông Tsipras tiếp tục phải đối mặt với sự chỉ trích trong nội bộ đảng của mình khi chấp nhận tiếp tục cải cách để đổi lấy cứu trợ.
Việc các đối tác châu Âu có đánh giá tích cực sau khi Hy Lạp đưa ra đề xuất mới nhất, mở ra triển vọng rằng Eurozone sẽ bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán về một khoản vay mới cho Hy Lạp. Tuy nhiên, tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Eurozone hôm qua, các bộ trưởng tiếp tục kêu gọi chính phủ cánh tả tại Hy Lạp cần phải thực hiện những bước đi xa hơn, tôn trọng những cam kết cải cách và trả nợ.
Sau hơn 8 giờ đàm phán không có bất kỳ bước đột phá nào, các bộ trưởng sẽ nối lại cuộc họp trong hôm nay để quyết định liệu có tiếp tục đàm phán về một khoản vay mới cho Athens không. Các phiên thảo luận diễn ra 5 tiếng trước khi lãnh đạo các nước Eurozone nhóm họp để quyết định số phận của Hy Lạp trong khối.
Theo Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem, các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn: “Đây là một loạt các cuộc họp khó khăn. Chúng tôi đã thảo luận nhiều về các đề xuất của Hi Lạp, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Vẫn còn nhiều vấn đề lớn trên bàn đàm phán chưa được giải quyết, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này trong ngày hôm nay”.
Trong một dấu hiệu cho thấy Eurozone sẽ tiếp tục gây sức ép cải cách lên Hy Lạp khi Bộ trưởng Tài chính Đức hôm qua đưa ra 2 phương án để giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Theo phương án đầu tiên, Hy Lạp cần chuyển giao toàn bộ quỹ tài sản trị giá 50 tỷ euro. Quỹ này sẽ bán các tài sản lấy tiền trang trải nợ cho Hy Lạp.
Với phương án thứ hai, cần ngừng tư cách thành viên trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Hy Lạp trong ít nhất 5 năm, và khoản nợ của Athens sẽ được cơ cấu lại.
Rõ ràng, châu Âu muốn giữ Hy Lạp trong khối, nhưng chính các nước này cũng phải đối mặt với những sức ép từ nội bộ trong nước của mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel – một trong những nước đóng góp lớn nhất cho khối khẳng định, Đức không muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone vì điều này có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu, hủy hoại sự liên kết của khối.
Tuy nhiên, bà cũng đang phải đối mặt với chính sức ép từ những thành viên trong đảng của mình khi tiếp tục phải bỏ tiền ra cứu trợ cho Hy Lạp. Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin- được cho là đồng minh mạnh nhất của Hy Lạp trong khu vực đồng euro cũng cho rằng, lòng tin đã bị chính phủ Hy Lạp hủy hoại nhiều năm qua, khi họ không thực hiện những cam kết do mình đã đưa ra.
Không chỉ đối mặt với sức ép từ các đối tác châu Âu, chính phủ Hy Lạp cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ dư luận người dân trong nước cũng như nội bộ đảng cầm quyền. Mặc dù quốc hội Hy Lạp đã bật đèn xanh cho kế hoạch cải cách của chính phủ, nhưng để đạt được điều này, ông Tsipras phải dựa trên số phiếu từ các nghị sĩ đối lập trong quốc hội, sau khi chính những nghị sĩ cánh tả lại phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà ông đề ra.
Theo một quan chức chính phủ Hy Lạp, một số bộ trưởng “ bất đồng chính kiến" có thể sẽ bị thay thế và những nghị sĩ đối lập nên từ chức nếu họ không ủng hộ chính sách. Cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp tuần trước cũng được coi là lá phiếu ủng hộ những chính sách của ông Tsipras nói “ Không” với kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, ngay sau đó Thủ tướng Tsipras lại đưa ra đề xuất cải cách để đổi lấy cứu trợ khiến nhiều người dân không hài lòng.
Một chuyên gia kinh tế Hy Lạp Kostas Melas nhận định: “ Những đề xuất mới giữ tất cả các gánh nặng thuế, các cắt giảm chi tiêu đã có từ trước, đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hộ Hy Lạp. Những đề xuất này thậm chí còn khắc nghiệt hơn nữa”.
Vì vậy, giới phân tích cho rằng, một thỏa thuận có thể sẽ đạt được vào cuối ngày hôm nay để giữ Hy Lạp ở lại trong khối. Tuy nhiên chính phủ cánh tả của ông Tsipras sẽ tiếp tục đối mặt với những bất ổn khác ngay từ trong chính nội bộ đất nước của mình, khi nhiều người dân xứ sở thần thoại cảm thấy niềm tin đặt vào lá phiếu trong hai cuộc bầu cử ủng hộ chính phủ cánh tả bị “ phản bội”.
Tâm lí bất mãn gia tăng trong xã hội Hy Lạp, kéo theo các cuộc biểu tình bạo lực có thể tiếp tục nhấn chìm Hy Lạp vào một cuộc khủng hoảng mới./.