Kế hoạch cải cách của chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras đã được thông qua với số phiếu ủng hộ rộng rãi, 251 phiếu trên tổng số 300 ghế tại Quốc hội. 

Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ của ông Tsipras có thể tiếp tục cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong ngày 11/7 với các chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế)  trên cơ sở đề xuất gửi tới những thể chế này hôm  9/7 vừa qua. 

quoc_hoi_hy_lap_thong_qua_ke_hoach_cai_cah_bsrj.jpg
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras trình bày kế hoạch cải tổ trước Quốc hội ngày 10/7. Ảnh: Bloomberg

Phát biểu trước Quốc hội sau phiên bỏ phiếu, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras hoan nghênh các nghị sĩ đã đưa ra một “lựa chọn trách nhiệm cao”, cho thấy sự tin tưởng đối với những cố gắng của chính phủ trong suốt 5 tháng qua.

“Việc Quốc hội thông qua những đề xuất cải cách mới, tức là đồng ý trao thẩm quyền cho bộ Tài chính trong thời điểm khó khăn hiện nay là một sự lựa chọn trách nhiệm cao. Điều này ít nhất đã cho thấy, sự tin tưởng của Quốc hội đối với Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, phó Thủ tướng, cũng như toàn bộ chính phủ, mà trong suốt 5 tháng qua đã đấu tranh để bảo vệ các lợi ích của đất nước”, Thủ tướng Tsipras cho biết.

Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu ngày 10/7 cũng mở ra những thách thức chính trị không hề nhỏ đối với chính phủ của Thủ tướng Tsipras khi có tới 10 nghị sĩ của đảng cánh tả Syriza bỏ phiếu trắng hoặc chống lại kế hoạch này.

Ngoài ra, nhiều nghị sĩ đảng này cũng vắng mặt trong phiên bỏ phiếu, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis. Các nhà bình luận chính trị cho rằng, mặc dù Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch cải cách, song cuộc bỏ phiếu ngày 10/7 có thể xem là một thất bại của đảng cầm quyền và điều này có thể dẫn tới những thay đổi lớn về mặt chính trị, mà trước mặt có thể là một cuộc cải tổ chính phủ. Ngay chính Thủ tướng Tsipras cũng phải thừa nhận, những biện pháp cải cách này là khó khăn.

Dẫu vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ Hy Lạp là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay khi mà các ngân hàng nước này sẽ đối mặt với sự phá sản vào đầu tuần tới nếu như nước này không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ vào cuối tuần này.

Ngày 10/7, các chủ nợ đã bắt đầu nghiên cứu những đề xuất cải cách mới của Hy Lạp. Một nguồn tin châu Âu khẳng định, cả 3 thể chế gồm Quỹ tiền tệ quốc tế, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều thống nhất đưa ra một đánh giá tích cực về đề xuất cải cách của chính phủ Hy Lạp và đây có thể được xem là “cơ sở đàm phán” về một tế hoạch cứu trợ thứ 3 trị giá 74 tỷ euro dành cho nước này.

Ông Michael Huether, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Köln, Đức nói: “Không phải kinh nghiệm 5 năm qua qua đã giúp củng cố những giả địnhcho rằng, họ sẽ giải quyết thành công mọi vấn đề, mà tôi cho rằng, lý do để tin tưởng là chính phủ Hy Lạp đã nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng, của Quốc hội. Vì vậy,  họ có thể giải quyết được vấn đề theo một cách sáng tạo hơn và còn nhiều hơn thế nữa. So với chính phủ tiền nhiệm, họ đã cho thấy sự kiên định theo đuổi mục tiêu hơn”.

Dự kiến, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro ngày 11/7 sẽ nhóm họp tại thủ đô Brussels, Bỉ để thảo luận về bản kế hoạch, được xem đã làm hồi sinh hi vọng về một thỏa thuận giúp Hy Lạp tránh được nguy cơ phải rời khỏi khu vực đồng euro và sau đó 1 ngày, tức ngày 12/7, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng sẽ gặp nhau để tiếp tục bàn về cuộc khủng hoảng này./.