Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng thì Hy Lạp cũng đã thành lập được Chính phủ mới. Với sự liên minh của 3 đảng vốn ủng hộ kế hoạch thắt lưng buộc bụng là đảng Dân chủ mới, Đảng Pasok và Đảng Dân chủ Cánh tả, Hy Lạp đã vượt qua được nỗi lo về việc phải rời bỏ khu vực đồng tiền chung Eurozone. Tuy nhiên, nỗi lo về tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài thì vẫn còn đó và theo nhận định của giới phân tích: Eurozone vẫn chưa lặng sóng.

Hy-Lap.jpg
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (giữa) họp với lãnh đạo các đảng trong chính phủ Liên minh ngày 20/6 tại Athens (Ảnh: AP)
Sau khi đạt được thỏa thuận thành lập Chính phủ liên hợp, các chính đảng tham gia chính phủ đã cùng nhau quyết tâm đưa nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Thử thách đầu tiên đối với Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ đến vào tuần tới trong Hội nghị thượng đỉnh EU, nơi mà chính phủ Hy Lạp sẽ phải thương lượng lại kế hoạch vay mượn sao cho Athens có thể thúc đẩy đà phục hồi kinh tế song song với chống thất nghiệp – những vấn đề từng là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong thành lập Chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hồi đầu tháng này. Chính phủ mới đưa ra mục tiêu “phải giành lại các khoản cứu trợ đã bị đình hoãn”.

Một tín hiệu đáng mừng với Hy Lạp trước Hội nghị này là các nước khu vực Eurozone đã phát đi tín hiệu sẽ nhượng bộ và linh hoạt hơn với Athens về thời hạn thực hiện những điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận vay 130 tỷ euro (tương đương 165 tỷ USD), cho dù sẽ không có những điều chỉnh cơ bản.

Chưa biết Chính phủ mới của Hy Lạp có thành công trong nhiệm vụ đầu tiên này hay không, cũng như đất nước Hy Lạp sẽ được chèo lái như thế nào, song trước mắt, thế giới có thể tạm thở phào khi kịch bản Hy Lạp rời khu vực Eurozone đã không xảy ra. Bởi đây là kịch bản tồi tệ nhất trong 4 kịch bản được tính toán tới trước khi cuộc bầu cử diễn ra, và cũng là kịch bản mà tới 80% người dân Hy Lạp không mong muốn. Theo đó, sự ra đi của nền kinh tế chỉ chiếm 2,3% kinh tế Eurozone và 0,4% kinh tế toàn cầu này có thể gây nên “cơn sóng thần tài chính” tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.

Eurozone chưa lặng sóng

Trong khi đó, kịch bản Hy Lạp thành lập được Chính phủ mới, sau đó vừa thực hiện các chính sách, vừa đàm phán với Liên minh châu Âu để sửa đổi các điều khoản cứu trợ được đánh giá là kịch bản khả dĩ nhất, đỡ gây nguy hiểm nhất cho chính bản thân Hy Lạp và cả Eurozone. Đó là lý do mà thế giới nói chung và châu Âu nói riêng tạm thời cảm thấy nhẹ nhõm khi Hy Lạp đang đi đúng trên con đường này.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ con đường mà Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ đi nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế còn đầy rẫy những chông gai. Mặc dù Eurozone có thể nhượng bộ và linh hoạt với Hy Lạp về thời hạn thực hiện các điều khoản cứu trợ, song Hy Lạp không thể quá trông chờ vào những nhượng bộ này.

Giới phân tích đã cảnh báo rằng, sự linh hoạt và nhượng bộ thái quá từ phía Eurozone đối với Hy Lạp sẽ đặt dấu hỏi về uy tín của khu vực đồng tiền chung này, và có thể tạo tiền lệ "khuyến khích" Ireland, Tây Ban Nha cũng lên tiếng đòi hỏi được nới lỏng trong chính sách "thắt lưng, buộc bụng" hiện nay. Vì vậy, nếu như Hy Lạp có thể giành lại những khoản cứu trợ đã bị đình hoãn, không còn sự lựa chọn nào khác, Chính phủ Hy Lạp lại phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi tiêu nhằm làm hài lòng các nhà tài trợ quốc tế.

Việc tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm lương khu vực công và tư, cắt giảm lương hưu, y tế và quốc phòng… cũng sẽ khiến người dân Hy Lạp, vốn quen với cuộc sống “bóc ngắn cắn dài” đình công, mít tinh, biểu tình phản đối chính phủ, đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Như vậy, sau khi đã tránh được nguy cơ vỡ nợ cũng như kết cục phải rút khỏi Eurozone, điểm quan trọng của chính phủ mới Hy Lạp hiện nay là phải tìm được điểm cân bằng giữa tái đàm phán các kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó cải cách về tài chính được đánh giá là giải pháp quan trọng nhất. Chỉ có những nỗ lực tích cực của Hy Lạp trong việc duy trì các khoản cho vay cùng những kế hoạch hành động cụ thể của các nhà lãnh đạo Eurozone mới mong đem lại “cái kết có hậu” cho Hy Lạp trong điều kiện hiện nay./.