Ngày 9/3, người đứng đầu nhóm 19 Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng tiền chung Eurozone kêu gọi Hy Lạp tăng tốc cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế, đồng thời khẩn trương thực thi chương trình cải cách kinh tế mới có thể nhận được khoản cứu trợ tài chính quan trọng mà trước mắt Athens phải thanh toán vào cuối tháng này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tại Brussels (Bỉ), thảo luận các bước đi tiếp theo đối với Hy Lạp, Chủ tịch Jeroen Dijsselbloem yêu cầu Athen khẩn trương tiến hành đàm phán vào ngày 11/3 với các đối tác. Bởi, hiện nay Liên minh châu Âu đã “mệt mỏi” với thái độ chần chừ và thiếu hợp tác trong các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các đối tác châu Âu.
“Chúng ta đã trải qua hai tuần thảo luận, song dường như chỉ tập trung vào những vấn đề như ai gặp ai, ở đâu, chương trình nghị sự là gì. Điều đó chỉ là sự lãng phí thời gian trong khi đồng hồ đang điểm. Tôi cảm thấy rất sốt ruột. Chính vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu các cuộc thương lượng vào ngay ngày mai tại Brussels. Các bên sẽ phải cùng nhau thảo luận về những chi tiết kỹ thuất và các số liệu cụ thể. Song song với đó, nhóm Bộ ba quốc tế sẽ cử các kỹ thuật viên tới thị sát và đánh giá tình hình tại Hy Lạp”, ông Dijsselbloem nói.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói rằng, Athen sẵn sàng đón tiếp đại diện các tổ chức đến thị sát Hy Lạp, tuy nhiên ông khẳng định, chính phủ Hy Lạp không thể chờ đợi đến cuối tháng 4 mới có thể biết được quyết định của Bộ ba chủ nợ quốc tế về bước đi tiếp theo đối với nước này.
Ông Varoufakis nói: “Là một đất nước hiếu khách, chúng tôi sẽ nỗ lực để làm bất cứ điều gì để cung cấp cho các tổ chức những thông tin mà họ cần. Chúng tôi sẽ cho phép họ tiếp cận đầy đủ những gì mà họ muốn trong đàm phán. Nhưng tôi cũng phải nói rằng, đã đến lúc nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế (Troika) nên chấm dứt trò chơi quyền lực của mình đối với đất nước Hy Lạp”.
Theo thỏa thuận đạt được vào cuối tháng hai, Athen phải trình một danh sách cải cách lên bộ ba chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ quốc (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để có được khoản viện trợ trị khẩn cấp trị giá 7 tỷ Euro.
Sau khi xem xét các biện pháp cải cách kinh tế gồm 7 điểm đầu tiên mà Hy Lạp vừa trình lên, Chủ tịch nhóm đồng tiền chung châu Âu Dijsselbloem đã thể hiện sự thất vọng khi cho rằng, kế hoạch này của Athen vẫn còn rất nhiều thiếu sót. Vì thế, Liên minh châu Âu có thể sẽ không giải ngân sớm cho Hy Lạp trong tháng 3 cho dù nguồn tiền của nước này gần như đã cạn kiệt.
Tuy vậy, khác với thái độ cương quyết, có phần cứng rắn của ông Dijsselbloem, trả lời trong cuộc phỏng vấn ngày 9/3 với báo chí Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Claude Juncker, bày thái độ “mềm dịu” hơn khi cảnh báo “kiểu già néo đứt dây” của châu Âu, bởi tình hình tại Hy Lạp hiện nay đang vô cùng nghiêm trọng.
Hy Lạp đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng với tổng số nợ của nước này đã lên tới 320 tỷ Euro, tương đương 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo số liệu thống kê mới nhất, nền kinh tế Hy Lạp vừa suy giảm 0,4% trong quý 4 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, kinh tế nước này có mức tăng trưởng hàng quý bị âm kể từ khi nước này thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài 6 năm hồi năm ngoái.
Hiện Athen đang cần gấp hơn 1,5 tỷ Euro để thanh toán một khoản nợ của IMF vào tháng 3 tới. Vì không thể trực tiếp huy động trên các thị trường vốn, Hy Lạp chỉ có thể dựa vào những khoản cứu trợ từ quỹ khủng hoảng của Eurozone và IMF.
Nếu không được viện trợ kịp thời, khả năng Hy Lạp vỡ nợ và phải rời bỏ khu vực Eurozone là rất cao. Trước áp lực trong nước, Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã để ngỏ khả năng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý nếu như phương án kế hoạch cải cách kinh tế của mình bị châu Âu từ chối./.