Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn Hy Lạp phải thanh toán các khoản nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (5/6), song những ngày qua, Chính phủ nước này liên tiếp có những phát biểu cứng rắn khi tuyên bố đã cạn tiền, nhưng cũng sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ yêu cầu nào của các chủ nợ quốc tế.

gre_nytj.jpg
Hy Lạp- dù cạn tiền cũng không nhượng bộ các chủ nợ quốc tế (ảnh: AFP)

Đây được xem là một bước đi mạo hiểm của Chính phủ của Thủ tướng cánh tả Alexis Tsipras nhằm buộc các chủ nợ phải nhanh chóng thông qua đợt giải ngân cuối cùng trong gói cứu trợ quốc tế thứ 2 dành cho nước này.

Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Nicos Voutsi hôm qua tuyên bố nước này không có tiền để thanh toán các khoản nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ đến hạn vào đầu tháng 6 tới. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Hy Lạp đưa ra cảnh báo, song tuyên bố lần này lại đẩy căng thẳng leo lên một nấc thang mới trong bối cảnh các cuộc đàm phán “cân não” với các chủ nợ quốc tế liên tục lâm vào bế tắc.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Nicos Voutsi, ngày 5/6 tới nước này sẽ phải trả cho Quỹ Tiền tệ quốc tế 1,6 tỷ euro khoản nợ đã đến hạn, song nước này sẽ không thực hiện và hơn nữa cũng không có tiền để làm việc này.

Các cuộc đàm phán cứu trợ giữa Hy Lạp với các chủ nợ liên tục bế tắc trong 4 tháng qua do Hy Lạp phản đối những cải cách kinh tế cơ bản mà các chủ nợ yêu cầu thực hiện để đổi lấy số tiền này. Tháng 5 vừa qua, Hy Lạp đã gần như "nhẵn túi" khi chỉ thu nhặt được 750 triệu euro để trả Quỹ Tiền tệ quốc tế bằng cách huy động các nguồn dự trữ khẩn cấp và đang đối mặt lịch thanh toán nợ dày đặc trong ba tháng tới.

Chưa kể, Chính phủ Hy Lạp còn một loạt khoản chi tiêu cần đáp ứng bao gồm lương và lương hưu. Hồi cuối tuần, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng cảnh báo, nước này sẽ làm điều cần phải làm và sẽ không chấp nhận thêm "bất kỳ yêu cầu vô lý nào" của các chủ nợ nữa. Theo ông, Hy Lạp đã đi được ¾ quãng đường, và các chủ nợ phải đi nốt phần còn lại.

Trong khi đó một số hãng truyền thông Hy lạp và Mỹ khẳng định, Thủ tướng Tsipras mới đây đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew “nói đỡ” nước này với Quỹ Tiền tệ quốc tế để có thể lùi viêc trả nợ tới cuối tháng 6.

Bởi nước này cho rằng, việc đàm phán liên tục lâm vào bế tắc thời gian qua, một phần là do các chủ nợ quốc tế đã yêu cầu Hy Lạp phải cải cách một cách quá nhanh và quá lớn. Hơn nữa, cũng không có bất kỳ một biện pháp nào được triển khai nhằm giảm nhẹ những hậu quả của những cải cách này đối với tăng trưởng.

Theo các nhà phân tích, những tuyên bố cứng rắn của Chính phủ Hy Lạp thời gian gần đây cho thấy nước này đang đi một nước cờ mạo hiểm, song có thể là cần thiết nhằm gia tăng sức ép buộc các chủ nợ quốc tế phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm đi tới một thỏa thuận về khoản giải ngân cuối cùng trong gói cứu trợ thứ 2 dành nước này.

Bởi Hy Lạp hiểu, không chỉ có Hy Lạp cần Liên minh châu Âu, mà khối này cũng rất cần Hy Lạp. Có thể, việc Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro không gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế chung của khối, song về lâu dài dư chấn của nó lại không hề nhỏ. Theo Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, nếu nước này phải rời khỏi Khu vực đồng eurothì đây sẽ là một thảm họa không chỉ đối với Hy Lạp mà còn đối với toàn bộ khu vực đồng euro.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (ảnh: Reuters)

“Một khi bạn đã là một phần của của một liên minh tiền tệ, thì việc rời khỏi nó sẽ là một thảm họa. Song đây không chỉ là thảm họa đối với nền kinh tế và xã hội Hy Lạp, mà còn là  sự khởi đầu cho quá trình kết thúc của dự án đồng tiền chung châu Âu. Dù một số nhà phân tích từng nói tới tường lửa, thì bức tường này cũng không thể duy trì lâu nếu suy nghĩ về sự gắn kết, không thể tách rời của khu vực đồng eurođã ăn sâu trong đầu các nhà đầu tư. Đây sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi mọi mọi thứ bắt đầu được làm sáng tỏ” ông Varoufakis nói.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng thừa nhận, việc Hy Lạp ra khỏi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tạo ra một “vấn đề về độ tín nhiệm” đối với khu vực này. Hơn nữa, những sức ép trong nước cũng buộc Chính phủ của Thủ tướng Tsipras không thể nhượng bộ hơn nữa.

Thực tế là trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền hiện nay tại Hy Lạp cũng chia làm 2 phe tả, hữu. Đại diện cho lực lượng ôn hòa trong đảng Syriza, nghị sĩ châu Âu Dmitris Papadimoulis mới đây kêu gọi đảng này chấp nhận những thỏa  hiệp khó khăn để tránh cho đàm phán rơi vào chỗ thất bại không thể cứu vãn.”

Vì thế, Thủ tướng Tsipras không còn cách nào khác là phải gia tăng sức ép với các chủ nợ quốc tế vừa giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán, lại vừa tránh phải đối mặt với các nguy cơ chính trị trong nước./.