Ngày 1/1, Hy Lạp bắt đầu đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2014 trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia thành viên khu vực đồng Euro này có triển vọng sáng sủa hơn.

Đây là lần thứ 5 Hy Lạp đảm nhận cương vị Chủ tịch EU kể từ khi gia nhập Cộng đồng châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu) năm 1981.

Hy Lạp nắm giữ chức Chủ tịch khối này vào thời điểm sẽ diễn ra nhiều thay đổi trong Liên minh châu Âu, trong đó theo kế hoạch có các cuộc bầu cử vào tháng 5 tới hình thành một Nghị viện châu Âu khóa mới.

Phát biểu nhân dịp này, Ngoại trưởng Hy Lạp Evangelos Venizelos cho rằng, Hy Lạp đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu với ý thức trách nhiệm cao đối với các đối tác và người dân trong khối này.

Theo Ngoại trưởng Venizelos, 2014 là năm có bước ngoặt lớn khi Hy Lạp tìm cách thoát khỏi khủng hoảng và Liên minh châu Âu bắt đầu bước vào cuộc tranh luận về tương lai của khối này với các cuộc bầu cử quan trọng.

“Đây là cơ hội tốt để Hy Lạp có thể chứng tỏ mình là thành viên bình đẳng của Liên minh châu Âu, có khả năng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch khối này trên danh nghĩa của 28 nước thành viên. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các mô hình phát triển mới cho Liên minh châu Âu nhằm cải thiện tình trạng thất nghiệp và thu nhập thấp tại nhiều quốc gia thành viên, vốn đang phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng”, ông Venizelos nói.

Theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ phải tổ chức 14 hội nghị cấp bộ trưởng trong nhiệm kỳ 6 tháng của mình trước khi chuyển giao cho Italy. Ngày 16/1 tới, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras sẽ tới Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp để trình bày mục tiêu của nước này trong 6 tháng tới. Bài phát biểu của ông dự kiến tập trung vào tăng trưởng và việc làm, triển khai thực thi một liên minh ngân hàng lịch sử được các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu nhất trí đưa ra cuối năm 2013, cũng như chính sách hàng hải và nhập cư.

Hy Lạp bước vào năm mới với nhiều lạc quan sau 6 năm chìm trong suy thoái. Thủ tướng Samaras dự đoán nền kinh tế chịu khủng hoảng nặng nề của nước này sẽ không cần viện trợ nữa sau khi chương trình cứu trợ hết hiệu lực năm nay.

Đối với Liên minh châu Âu, trong những ngày cuối cùng của năm 2013, đã có một số tín hiệu tích cực khi Ireland chính thức ra khỏi chương trình cứu trợ, còn Tây Ban Nha thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại khối này vẫn cao hơn 12%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp và Tây Ban Nha còn cao hơn. Do đó, sẽ còn nhiều việc phải làm để Liên minh châu Âu thực sự thoát khỏi bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ./.