Tối 7/12, Quốc hội Hy Lạp thông qua kế hoạch ngân sách năm 2014 với chương trình thắt chặt chi tiêu 3,1 tỷ Euro nhằm giúp quốc gia Nam Âu này tránh được nguy cơ rơi vào năm suy thoái thứ 6 liên tiếp.

Theo kế hoạch ngân sách này, Hy Lạp dự kiến đạt thặng dư cơ bản 812 tỷ Euro trong năm nay, gấp đôi so với dự báo của chính phủ cách đây 2 tháng.

greece_copy_copy.jpg
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras phát biểu tại phiên bỏ phiếu thông qua ngân sách 2014 (Ảnh AP)

Đây là một cơ sở tốt cho các mục tiêu tài khóa năm tới và cũng giúp Hy Lạp có nền tảng lý lẽ vững chắc để tránh phải áp dụng thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu trong các cuộc đàm phán giải ngân gói cứu trợ với Bộ 3 cho vay quốc tế (gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế).

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết, điều chỉnh tài chính sắp tới có thể tập trung vào cải cách thuế nhưng không thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng nữa.

“Kế hoạch ngân sách này không bào gồm bất cứ cắt giảm theo các biện pháp thắt lưng buộc bụng nào. Kể từ giờ trở đi, các điều chỉnh tài chính để đạt mục tiêu vào năm 2016 sẽ không dựa vào các chính sách khắc khổ bóp nghẹt nền kinh tế và các tiềm năng phát triển xã hội nữa, mà sẽ dựa vào các cải cách thuế”, ông Stournaras tuyên bố.

Tuy nhiên, đây lại chính là điểm tồn tại bất đồng giữa Hy lạp và Bộ ba Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Các chủ nợ quốc tế này bày tỏ lo ngại về khả năng tận thu thuế của chính phủ Hy Lạp và cho rằng nên giữ nguyên thuế tài sản hiện nay.

Hai bên cũng chưa nhất trí về quy mô thiếu hụt ngân sách có thể có trong năm tới và những cải cách tiếp theo để lấp đầy những lỗ hổng ngân sách này. Bộ 3 cho vay quốc tế cho rằng, nếu Hy Lạp không tìm được cách tiết kiệm chi tiêu mới thì nước này thậm chí sẽ không đạt được mục tiêu thặng dư khoảng 2 tỷ Euro ngân sách vào năm tới.

Với những bất đồng còn tồn tại giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế, kế hoạch ngân sách của nước này vẫn có thể phải điều chỉnh sau các vòng đàm phán giải ngân gói cứu trợ sắp tới. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp sẽ không mạo hiểm “đặt cược” bất cứ sự điều chỉnh nào trước một Quốc hội ngày càng có nhiều nghị sỹ kịch liệt phản đối các biện pháp khắc khổ.

Phát biểu tại buổi tranh luận ngân sách trước Quốc hội Hy lạp hôm qua, Chủ tịch đảng đối lập cánh tả Syriza Alexis Tsipras cho biết: “Chưa bao giờ trong vòng 60 năm qua, Hy Lạp lại rơi vào tình cảnh kiệt quệ như lúc này. Những điều kiện đi kèm gói cứu trợ đã hủy hoại Hy Lạp, khiến nền kinh tế này rơi vào thảm kịch, đẩy văn hóa, giáo dục, y tế và các dịch vụ phúc lợi xã hội khác vào vùng tranh tối tranh sáng”.

Kế hoạch ngân sách 2014 của Hy Lạp được thông qua ngay trước thềm cuộc họp quan trọng của Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro vào ngày 9/12. Chính phủ Hy Lạp cho biết sự khác biệt với Liên minh châu Âu đang được thu hẹp trong khi nước này vẫn đang tiếp tục vận động để tránh phải chịu thêm bất cứ biện pháp thắt lưng buộc bụng nào nữa.

Hy Lạp muốn kết thúc đàm phán giải ngân 1 tỷ Euro trong gói cứu trợ trước khi nước này đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu vào tháng sau.

Tuy nhiên, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Simon O'Connor ngày 7/12 cho biết, phải đến tháng sau Bộ 3 cho vay quốc tế mới có thể nối lại vòng đàm phán với Hy Lạp.

Trước vòng đàm phán này, một nhóm chuyên gia của Bộ 3 cho vay quốc tế sẽ trở lại Athens vào ngày 11 tháng 12 tới để đánh giá những tiến bộ mà Hy Lạp đã đạt được trong việc thực thi các điều kiện đi kèm gói cứu trợ./.