Kết quả đàm phán này rất có ý nghĩa vì chỉ còn hơn 1 tuần nữa, Hy Lạp sẽ phải trả khoản nợ trị giá trên 3 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), mà hiện ngân sách nước này trống rỗng và không có tiền trả nợ. Với thỏa thuận vừa đạt được, Hy Lạp hy vọng sẽ được các chủ nợ rót 86 tỷ Euro trong vòng 3 năm tới.

bo_truong_tai_chinh_hy_lap_pugz.jpg
 Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos chuẩn bị gặp mặt với đại diện các chủ nợ quốc tế. Ảnh AP

Đàm phán về gói cứu trợ thứ ba diễn ra khá nhanh, do những gì khó nhất đã được giải quyết cơ bản từ Hội nghị thượng đỉnh nhóm Khu vực đồng tiền chung châu Âu giữa tháng trước.

Ngày 13/7, lãnh đạo các nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã họp bất thường liên tục tới 16 tiếng tại Brussels để ra được một thỏa thuận khung. Đàm phán lần này chỉ là cụ thể hoá các nét lớn của thoả thuận khung trước đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Uỷ ban châu Âu Annika Breidthardt nói: “Những gì chúng tôi có vào lúc này là một thỏa thuận kỹ thuật đạt được giữa các tổ chức và nhà chức trách Hy Lạp sau một tuần đàm phán. Những gì chưa có, đó là chúng tôi chưa có thỏa thuận chính trị vào lúc này. Đó là điều chúng tôi cần và  như tôi đã nói, về nguyên tắc, thỏa thuận kỹ thuật đã đạt được nhưng vẫn còn một số chi tiết nhỏ mà chúng tôi cần phải phải hoàn thiện”.

Như vậy có thể thấy, chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thay đổi quan điểm về chính sách gói cứu trợ. Hiện ông Tsipras hy vọng sẽ thúc đẩy các biện pháp cải cách khắc khổ trong Quốc hội nước này trong phiên họp ngày hôm nay (12/8), dọn đường cho các Bộ trưởng Tài chính châu Âu thực thi thỏa thuận mới và bắt đầu chuyển gói cứu trợ vào ngày 20/8, khi Hy Lạp phải trả khoản nợ 3,2 tỷ Euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Sau khi thông tin này xuất hiện, một số hãng truyền thông của Hy Lạp còn đưa tin về 35 “hành động ưu tiên” cần phải làm chiếu theo cam kết của Hy Lạp để nhận gói cứu trợ, trước khi nguồn vốn cứu trợ được rót vào nước này.

Các hành động ưu tiên gồm tăng độ tuổi nghỉ hưu, bãi bỏ trợ giá xăng cho nông dân, bãi bỏ ưu đãi thuế đối với người dân trên một số hòn đảo của Hy Lạp và tăng thuế với các doanh nghiệp xuất khẩu…

Việc ông Tsipras đang căng mình để thúc đẩy nhanh thỏa thuận gói cứu trợ được giới chuyên gia nhận định là sẽ đem lại rủi ro về mặt chính trị đối với Đảng cầm quyền Syriza, đặc biệt trong bối cảnh một cuộc bầu cử sớm đang đến gần.

Ngược lại, chính phủ Đức dường như không mong muốn thúc đẩy quá nhanh gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp, đề nghị nên gác các vòng đàm phán sang một bên và ban đầu chỉ nên chuyển cho Hy Lạp một nguồn vốn trị giá khoảng 5 tỷ Euro để họ có thể trả nợ vào cuối tháng này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh lại quan điểm này của họ trong một cuộc điện đàm hôm đầu tuần với Thủ tướng Tsipras. Giờ đây, các khúc mắc giữa các bên về thỏa thuận gói cứu trợ thứ ba chỉ có thể được giải quyết trong cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính khối Khu vực đồng tiền chung châu Âu tổ chức vào ngày 14/8 tới./.