Ngày 22/9, Chánh văn phòng chính phủ Hungary János Lázár khẳng định Hungary sẽ không tiếp nhận lại bất cứ người di cư nào bị trả về nếu những người này bị phát hiện trước đó đã đặt chân vào Hy Lạp trên đường vào Liên minh châu Âu (EU).
Chánh văn phòng chính phủ Hungary János Lázár. Ảnh: Getty. |
Phát biểu tại một diễn đàn ở miền Nam Hungary, ông Lázár nêu rõ, Hungary tuân thủ quy định Dublin II về người tị nạn và cho rằng không có lý do gì Hungary phải tiếp nhận lại người di cư bị trả về sau khi nước đầu tiên họ đặt chân tới trên đường vào Liên minh châu Âu là Hy Lạp chứ không phải là Hungary. Ông khẳng định chính phủ chỉ đồng ý tiếp nhận lại người di cư bị trả về nếu Hungary được xác minh là nước EU đầu tiên họ đặt chân tới.
Ông Lázár đã nêu rõ quan điểm trên của chính phủ sau khi một nhóm các nước Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na-uy và Thụy Điển cáo buộc Hungary từ chối tiếp nhận lại người di cư bị những nước này trả về. Trong một bức thư chung gửi tới Brussels, lãnh đạo các nước Bắc Âu bày tỏ lo ngại trước thái độ từ chối tuân thủ quy định của EU về đối xử với người di cư của Hungary, đồng thời đề nghị Liên minh châu Âu có biện pháp trừng phạt Hungary.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng chính phủ Hungary János Lázár lại khăng khăng cho rằng hàng chục nghìn người di cư mà các nước Bắc Âu muốn gửi trả lại đều vào Liên minh châu Âu qua một nước thành viên của EU khác trước khi đi qua Hungary. Ông cho rằng thật không công bằng nếu Hungary chứ không phải các nước Bắc Âu giàu có hơn nhiều lại phải tiếp nhận lại những người di cư này.
Các nước Bắc Âu đưa ra chỉ trích vào thời điểm Hungary và các thành viên Liên minh châu Âu khác đang có căng thẳng gia tăng xung quanh cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu. Gần đây, chính phủ Hungary đã in và phân phát rộng rãi tờ rơi gây tranh cãi nằm trong chiến dịch tuyên truyền quảng bá cho cuộc trưng cầu ý dân vào đầu tháng 10 tới.
Tờ rơi liệt kê khoảng 900 khu vực được coi là vùng cấm tràn ngập người di cư tại các thành phố khắp châu Âu, trong đó có London, Paris và Berlin. Ngay lập tức, động thái này đã làm các nước châu Âu tức giận, và Anh là một trong những nước đầu tiên lên tiếng phản đối thông tin có trong tờ rơi này của Hungary./.