Căng thẳng Budapest- Brussels
Quan hệ căng thẳng giữa Budapest (Hungary) với Brussels (Bỉ) là chuyện không mới, nhưng sự căng thẳng đó không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Bratislava cuối tuần trước, Ngoại trưởng Luxemburg, Asselborn đã đưa ra một đề xuất đầy giận dữ: Loại Hungary ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Lý do là vì chính phủ nước này đi ngược lại những giá trị cơ bản của EU.
Thông báo của chính phủ Hungary về trái phiếu chính phủ bằng tiếng Việt |
Cụ thể các cáo buộc là: Xây tường biên giới ngăn người tị nạn, thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn mang giọng điệu phân biệt chủng tộc, tôn giáo khiến dân chúng hoang mang lo sợ việc nhận người tị nạn...
Những cáo buộc này đều có phần sự thật.
Từ khi khủng hoảng tị nạn bùng nổ tại châu Âu trong năm 2015, Hungary là một trong những nước thành viên EU tỏ thái độ cứng rắn và phân biệt nhất.
Chính phủ cánh hữu của ông Orban đã đóng cửa biên giới với các nước láng giềng phía Nam như Romania, dựng hàng rào thép gai để ngăn dòng người tị nạn tràn vào nước mình và kiên quyết phản đối mọi đề xuất về chỉ tiêu tiếp nhận tị nạn từ Brussels.
Chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ của chính phủ Hungary
Trên truyền thông, Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố: “Người tị nạn Hồi giáo đe dọa hủy hoại gốc rễ của văn hóa công giáo của các nước châu Âu”.
Giọng điệu bài ngoại với người tị nạn từ chính phủ của ông Orban còn thể hiện công khai trên các áp-phích mà chính phủ Hungary sử dụng để tuyên truyền cho cuộc trưng cầu ý dân sắp tới vào ngày 2/10 về việc tiếp nhận tị nạn.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh - Chủ biên trang tin Nhịp cầu thế giới tại Hungary phân tích: “Vấn đề an ninh là trọng điểm ở châu âu. Một khi vấn đề an ninh được nêu ra thì người dân đều đồng tình mà không có sự suy xét, vấn đề đó hiện thực như thế nào”.
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, hiện Hungary không có người tị nạn mà chủ yếu những người này chỉ quá cảnh để sang quốc gia khác.
Theo các số liệu gần nhất thì năm 2015 cũng chỉ có chừng 300-400 người xin tị nạn, con số không đáng kể so với dân số 10 triệu ở Hungary.
Gần nhất, các quan chức an ninh vẫn cho rằng không loại trừ nguy cơ khủng bố và họ lấy ví dụ như ở các nước như Pháp, Bỉ hay Đức.
“Việc tuyên truyền của chính phủ rất mạnh mẽ tại Hungary và người dân nghe nhiều thì cũng tin vào nguy cơ đó”, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh nhận định.
12,6 triệu euros cho hơn 800 khẩu hiệu bài tị nạn
Các ap-phích mang những câu như sau: “Bạn có biết không? Hơn 300 người đã chết tại châu Âu từ khi làn sóng tị nạn bắt đầu”; “Brussels muốn chúng ta tiếp nhận số người nhập cư tương đương với dân số một thành phố”; “Một triệu người tị nạn đang chờ để đến châu Âu”; “Bạn có biết không? Hơn 1 triệu người Hungary đang muốn bỏ nước ra đi sang các nước châu Âu khác”…
Tổng cộng, 12,6 triệu euro đã chi ra cho hơn 800 khẩu hiệu truyền thông kiểu như vậy, những khẩu hiệu mà các đảng đối lập và báo chí cấp tiến ở Hungary nhận xét là “chiến dịch đánh vào sợ hãi” đối với người dân Hungary bởi đa phần chúng khác xa sự thật.
Ví dụ với khẩu hiệu: “Brussels muốn chúng ta tiếp nhận số người nhập cư tương đương với dân số một thành phố” thì thực tế là: Hungary chỉ phải lĩnh quota nhận hơn 1.000 người tị nạn, tức chỉ tương đương một ngôi làng nhỏ.
Cuộc trưng cầu ý dân 2/10 với câu hỏi bị chỉ trích
Và ngay cả câu hỏi dùng cho cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 tới cũng bị chỉ trích nặng nề, bởi từ “bất hợp pháp” đã được đưa vào câu hỏi “Bạn đồng ý hay phản đối việc tiếp nhận người tị nạn bất hợp pháp vào Hungary như EU yêu cầu?”.
Chỉ có hai phương án “Có” hoặc “Không” và đương nhiên sẽ khó có công dân Hungary nào, nếu không suy xét kỹ càng, lại chấp nhận một sự “bất hợp pháp” đối với nước mình.
Nhưng câu chuyện vẫn đang được đẩy đi theo hướng đó và các chính trị gia châu Âu còn đang e ngại rằng, nếu chính phủ đảng Fidesz của ông Orban giành thắng lợi lớn trong cuộc bỏ phiếu hôm 2/10, khả năng Hungary yêu cầu điều chỉnh Hiệp ước Lisbon có thể sẽ xảy ra và khi đó sự rạn nứt trong EU sẽ càng khó hàn gắn.
Nhưng, điều nghịch lý ở Hungary là trong khi dùng các chiến dịch truyền thông gieo rắc sợ hãi, bài tị nạn để phản đối quota từ Brussels, chính phủ Hungary lại đang chào mời khắp nơi một chương trình định cư và nhập tịch Hungary thuộc loại thông thoáng nhất châu lục.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh phân tích thêm: “Một bộ phận tương đối lớn trong người dân Hungary và những người đối lập với chính đảng cánh hữu của Hungary luôn chỉ ra điểm mâu thuẫn đó. Tức là với khoản tiền trước là 250.000 euro và giờ tăng lên 300.000 euro, bất cứ ai cũng đều có thể mua được quyền định cư”.
Có nghĩ là đầu tư khoản tiền đó trong 5 năm tại Hungary thì sẽ được thẻ định cư một cách tương đối dễ dàng mà không bị xét những điều kiện chẳng hạn như: Sinh sống, ăn ở, kinh doanh hoặc tạo công ăn việc làm”.
Chính quyền Hungary lập luận, người nhập cư gây đe dọa về an ninh trong khi đó chính sách bán công trái định cư thì lại dễ dàng, không xét hỏi gì ghê gớm cả.
Nhiều chuyên gia và các phe đối lập đã nêu rõ sự mâu thuẫn này. Tuy nhiên, chính phủ Hungary bây giờ phe cầm quyền có chừng 2/3 số ghế trong Quốc hội nên những quy định liên quan thì nằm trong tay họ nên sự phản đối thì không đem lại kết quả gì.
Chương trình mang tên “Trái phiếu định cư của chính phủ Hungary” được chính các cơ quan nhà nước Hungary quảng cáo là “linh hoạt nhất trong các nước EU hiện nay”.
Điều kiện và thủ tục rất đơn giản: Bỏ ra ít nhất 300.000 euro mua trái phiếu chính phủ Hungary, thêm 60.000 chi phí thủ tục là bất cứ công dân nước nào (và thân nhân) đủ điều kiện (có hộ chiếu còn giá trị; không bị truy nã quốc tế hay bị SIS cấm nhập cảnh và cư trú) đều có thể nhận thẻ cư trú vĩnh viễn tại Hungary và sau đó có thể nhập tịch Hungary.
Sau 5 năm, số tiền 300.000 euro trái phiếu (không tính lãi) sẽ được hoàn trả. Tất cả có thể hoàn tất trong vòng 51 ngày nếu không vướng mắc và từ Hungary, người có thẻ cư trú có thể sinh sống và làm việc trên khắp khối Schengen.
Đó là một chương trình khiến các chỉ trích nhằm vào chính phủ của ông Okban càng trở nên gay gắt hơn bởi lập luận rằng, trong khi tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm của một quốc gia thành viên EU trong việc chia sẻ gánh nặng tị nạn thì Hungary lại dùng chính các giá trị và lợi thế của EU để kêu gọi dòng tiền đổ về nước mình, trong một cuộc cạnh tranh bị xem là không “bình đẳng” với các thành viên khác./.