Ông Agus Budi Santoso, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ thiên tai địa chất Indonesia, cho biết từ ngày 27/5 đến ngày 2/6 vừa qua, có 101 trận tuyết lở trên các vách đá nham thạch cũ xảy ra ở phía tây nam núi lửa Merapi, chủ yếu hướng về phía sông Bebeng với khoảng cách trượt lở tối đa là 1.800 mét. Các nhà quan sát cũng ghi nhận núi lửa Merapi đã phun ra các đám tro bụi nóng bao phủ trên phần thượng lưu sông Bebeng với khoảng cách bay xa 1,5 km.
Ông Agus lưu ý cường độ địa chấn ở núi lửa Merapi trong tuần qua vẫn ở mức khá cao và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ thiên tai địa chất Indonesia tiếp tục duy trì trạng thái của núi lửa Merapi ở cấp độ 3 - cấp độ “cảnh báo”. Nếu núi lửa Merapi phun trào, các tro bụi, vật thể trên miệng núi lửa có thể phát tán trong bán kính 3 km. Người dân được yêu cầu cách xa miệng núi lửa 5 km.
Vụ phun trào gần đây nhất của núi lửa Merapi là vào giữa tháng 3/2022 khiến hàng trăm người dân phải sơ tán. Trước đó, năm 2010, núi lửa Merapi phun trào cướp đi sinh mạng hơn 300 người, buộc 280.000 người phải sơ tán. Lần phun trào mạnh nhất của núi lửa Merapi diễn ra năm 1930 khiến 1.300 người thiệt mạng.
Núi lửa Merapi cao 2.968 mét nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Yogyakarta và Trung Java, là núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia và cũng là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới. Hiện có khoảng 250.000 người dân sinh sống trong bán kính 10km.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một vùng bất ổn địa chất rộng lớn, nơi sự va chạm của các mảng kiến tạo thường xuyên gây ra các trận động đất và hoạt động núi lửa./.