An ninh ở thủ đô Washington của Mỹ đang được thắt chặt khi hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi đến đây tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi diễn ra từ ngày 4-6/8. Các quan chức Mỹ cho biết, dự kiến gần 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi sẽ tham dự hội nghị.

An ninh, quản lý nhà nước và xây dựng chế độ dân chủ sẽ là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này. Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị, Phó Tổng thống Angola Manuel Vicente nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ổn định chính trị đối với sự thịnh vượng và phát triển kinh tế của khu vực. Ông bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh sẽ góp phần mở rộng đầu tư của Mỹ ở châu Phi.

images511713_8_buqm.jpgTổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi (Ảnh: AFP)

“Chúng tôi đã hợp tác trong lĩnh vực dầu khí nhưng để phát triển, chúng tôi muốn thấy Mỹ tham gia vào các lĩnh vực khác. Chúng tôi mong chờ sự hỗ trợ và cộng tác của Mỹ có thể góp phần xây dựng 1 châu Phi ổn định” - Phó Tổng thống Angola Manuel Vicente cho biết.

Sau các cuộc thảo luận về chống buôn bán động vật hoang dã và y tế, trong đó có những quan ngại về dịch Ebola đang bùng phát ở Tây Phi, chương trình nghị sự nổi bật hôm nay (5/8) là diễn đàn doanh nghiệp Mỹ - châu Phi và ngày mai, Tổng thống Barack Obama sẽ có cuộc thảo luận cấp cao với các nhà lãnh đạo châu Phi.

Đại diện của Diễn đàn Tổ chức phi chính phủ Uganda Richard Ssewakiryanga cho biết: “Kỳ vọng của tôi là các bên không chỉ trao đổi những vấn đề chung của thương mại mà có thể đề cập những vấn đề khó khăn hơn của thương mại châu Phi cũng như những mối quan hệ quyền lực mà chúng ta có thể đàm phán. Chúng tôi nghĩ đến việc làm thế nào để Mỹ và châu Phi có thể hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền và chính trị”.

Kể từ năm 2009 đến nay, đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Phi không phải là Mỹ mà là Trung Quốc. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Mỹ và châu Phi giảm sút trong những năm gần đây và chỉ đạt khoảng 60 tỷ USD trong năm ngoái trong khi thương mại giữa châu Phi với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lần lượt đạt 200 tỷ USD và 170 tỷ USD.

Nền kinh tế hàng đầu thế giới bị cho là “chậm chân” trong cuộc đua hợp tác với châu Phi, mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng còn thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng và đang phải vật lộn với đói nghèo, chiến tranh. Tuy nhiên, nước Mỹ hy vọng sẽ bắt kịp cuộc chơi bằng hàng loại các thỏa thuận đối tác công ty nhằm tăng cường thương mại và đầu tư trên mọi lĩnh vực, từ ngân hàng đến bán lẻ và điện thoại di động.

Mỹ dự kiến công bố hàng loạt thỏa thuận hợp tác với châu Phi có tổng giá trị lên đến 1 tỷ USD, tăng cường ngân sách cho hoạt động gìn giữ hòa bình ở 6 nước châu Phi và phát triển các chương trình lương thực cũng như năng lượng ở châu lục này.

Tổng thống Obama cũng sẽ hối thúc Quốc hội Mỹ gia hạn Đạo luật Cơ hội tăng trưởng châu Phi, một chương trình thương mại kéo dài 14 năm qua nhằm trao cho phần lớn các nước châu Phi quyền miễn thuế đối với thị trường Mỹ. Đạo luật này dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 30/9 năm sau./.