Chính phủ Nga hôm qua (02/08) bác bỏ cáo buộc của chính phủ Mỹ cho rằng, nước này đã vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời chỉ trích Mỹ đang gây trở ngại cho an ninh toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ đang tìm cách “làm mất uy tín của Nga”, với cách làm việc “một chiều và thiên vị”, đặc biệt trong việc xem xét cách mà chính nước Mỹ thực thi văn kiện quan trọng này. Trong thời gian gần đây, Mỹ dự định triển khai các bệ phóng tên lửa Mk-41 tại Ba Lan và Rumani có khả năng phóng các tên lửa hành trình tầm trung. Và tất nhiên đây là một sự vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Chính phủ Mỹ chắc chắn nhận thức được tất cả những vấn đề này. Song với việc liên tiếp đưa ra những cáo buộc nhằm vào Nga, Mỹ đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận khỏi những hành vi vi phạm của mình. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao cũng cho biết thêm, chính phủ Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2001 và đã phát triển “chiến lược tấn công toàn cầu” gây trở ngại cho an ninh toàn cầu.
Trước đó, ngày hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định nước này luôn tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước về các lực lượng tên lửa tầm trung. Văn kiện này được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987 với nội dung cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc thử tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất.
Hồi đầu năm, tờ "Thời báo New York " đưa tin Mỹ đã thông báo với các đồng minh thuộc Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng Nga từng thử một quả tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất. Một số nguồn tin cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng một vụ thử như vậy là vi phạm Hiệp ước về các lực lượng tên lửa tầm trung.
Những cáo buộc này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Mỹ tại thời điểm mối quan hệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991./.