Mặc dù đề xuất được đưa ra cách đây hơn 2 tháng, song Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/7 vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới các điều kiện tổ chức hội nghị quốc tế Geneva 2 về hòa bình cho Syria. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này tiếp tục có những dấu hiệu lan rộng, khi ngày hôm qua đạn súng cối từ Syria đã rơi vào một ngôi làng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ làm 1 người thiệt mạng.

hoa-binh-syria.jpg
Khói đạn vẫn bao trùm Syria (Ảnh: Press TV)

Các thủ lĩnh của Liên minh Dân tộc Syria (SNC), lực lượng đối lập chính tại nước này ngày 26/7 đã tiến hành cuộc họp kín với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bàn về các mục tiêu chính trị và quân sự của lực lượng đối lập. Tham dự cuộc gặp có các đại diện của Nga, nước ủng hộ chính đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Mỹ, Anh, Pháp, những nước đang xem xét vũ trang cho phe đối lập Syria. Tuy nhiên, kết thúc cuộc gặp, các bên vẫn không thể nhất trí được những điều kiện cho một hội nghị quốc tế về hòa bình Syria, hay còn gọi là Hội nghị Geneva 2.

Điều dễ nhận thấy là tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều có những tuyên bố thể hiện sự chia rẽ sâu sắc. Trong khi Anh, Pháp, Mỹ thể hiện rõ lập trường ủng hộ phe đối lập tại Syria thì Nga, nước trước nay vẫn luôn dành sự ủng hộ cho Tổng thống al-Assad đã phản đối quan điểm coi việc ra đi của ông này như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán hòa bình.  

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói: “Điều quan trọng là Hội nghị hòa bình Geneva phải được diễn ra mà không có điều kiện tiên quyết nào. Chúng ta cần phải thảo luận cách thức để thông cáo Geneva được thực hiện một cách đầy đủ nhất. Tuy nhiên, tôi lấy làm tiếc khi Liên minh Dân tộc Syria và một số nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang làm phức tạp hóa tình hình".

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant nhấn mạnh: “Tôi đã nghe thấy một thông điệp tích cực từ Liên minh đối lập tại Syria. Họ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với sự thống nhất của Syria, đối với nền dân chủ và tính đa nguyên. Họ lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”.

Việc tổ chức một Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria là sáng kiến của Nga và Mỹ, nhằm đưa Chính phủ Syria và đại diện của phe đối lập ngồi bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại đây. Song rõ ràng đưa ra đề xuất là một việc, song thực hiện nó mới là điều quan trọng. Bởi tới nay, công tác chuẩn bị cho Hội nghị vẫn dậm chân tại chỗ, khi các bên không thể đạt được tiếng nói chung. Thậm chí, các nước phương Tây lại đang tính tới chuyện vũ trang cho phe đối lập. Quyết định mới đây của Mỹ cung cấp vũ khí cho phe đối lập càng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng tại khu vực.

Điều nguy hiểm hơn, cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria tiếp tục có những dấu hiệu lan rộng sang các nước láng giềng. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/7 cho biết, một quả đạn súng cối được bắn từ phía Syria đã rơi xuống một ngôi làng biên giới ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, làm 1 người thiệt mạng và 3 trẻ em bị thương. Những tháng vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân nổi dậy Syria và các nhóm vũ trang người Kurks tại khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh biên giới nước này. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường lực lượng dọc biên giới đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ./.