Trong 2 ngày 21 và 22/5 tại Riga của Latvia diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông với sự tham gia của các nước thành viên EU và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Ra đời vào năm 2009 tại Praha, cộng hòa Czech, sáng kiến "Đối tác phương Đông" của EU nhằm mục đích tạo những thay đổi chính trị tại 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, từ đó thực hiện chính sách mở rộng về phía Đông.
Để lôi kéo các nước này, EU đã cam kết ký các thỏa thuận tự do mậu dịch, miễn thị thực và nhiều sáng kiến hỗ trợ khác. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng do tác động từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine vẫn chưa lắng dịu, chính vì thế dư luận đặc biệt quan tâm tới câu chuyện liệu EU thể hiện quyết tâm như thế nào với mục tiêu “Đông tiến” mà nhiều nhà quan sát đánh giá là đang thất bại.
Để tìm hiểu rõ hơn về Hội nghị “Đối tác phương Đông” lần này của EU, Phóng viên Thùy Vân - thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp trao đổi với tòa soạn về diễn biến tình hình.
Hội nghị thượng đỉnh Đối tác hướng Đông tại Rigal |
Tòa soạn: Dư luận quan tâm tới chuyện tương lai hội nhập của Ukraine, Grudia và Moldova, 3 trong số 6 nước thuộc Liên xô cũ cũng như sự hợp tác giữa EU và các đối tác trong không gian hậu Xô viết. Vậy những vấn đề này đã được bàn tới trong Hội nghị lần này như thế nào?
PV Thùy Vân:Trong bối cảnh hiện nay, dễ hiểu vì sao câu chuyện Ukraine đứng đầu trong chương trình nghị sự. Các nước EU ngày hôm qua đã thảo luận nhiều về một bản tuyên bố chung sẽ được thông qua trong ngày hôm nay. Những nội dung đáng chú ý có việc không công nhận việc sát nhập Crimea và Sebastopol mà EU cho rằng đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và là một thách thức trực tiếp đối với an ninh thế giới.
Cũng trong ngày hôm qua, EU đã thông báo cấp tổng viện trợ 200 triệu Euro dành cho các công ty vừa và nhỏ của ba quốc gia Ukraine, Gruadia và Moldova. Và có thể nói đây là một kết quả quan trọng của hội nghị thượng đỉnh lần này giữa EU với các đối tác phía Đông. Tuy nhiên, kết quả này không có gì bất ngờ mà đã được hứa hẹn từ hai ngày trước hội nghị. Riêng Ukraine sẽ là nước đầu tiên được hưởng lợi từ số viện trợ này và một thỏa thuận hỗ trợ của EU 1.8 tỷ Euro cho Ukraine dự kiến sẽ được ký kết bên lề hội nghị lần này.
Tuy nhiên, ngoài viện trợ và thúc đẩy hợp tác thương mại, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hội nghị không phải công cụ để EU mở rộng. Điều này có nghĩa là không có triển vọng thu nạp thêm thành viên mới từ 6 quốc gia đối tác trong không gian hậu Xô Viết. Và trước khi đi tham dự hội nghị, bà Merkel cũng đã khẳng định tinh thần là “không thể hứa hẹn những điều mà sau này EU không thực hiện được” với các nước Đông Âu.
Tòa soạn: EU từ lâu kêu gọi ủng hộ sự hội nhập chính trị và kinh tế của các nước trong không gian hậu Xô viết, và thực tế là EU đã ký hiệp định liên kết với một số nước như Ukraine, Gruzia và Moldova. Nhưng những quốc gia này cho rằng việc miễn thị thực cho họ mới có ý nghĩa rõ ràng, điều mà cho đến nay EU vẫn chưa chấp nhận. Lý do vì sao?
PV Thùy Vân: Lần này, Bộ trưởng ngoại giao Ukraine Pavel Klimkine đã đòi hỏi EU mở cửa gia nhập cho Ukraine và miễn thị thực cho công dân Ukraine vào EU vào năm tới. EU thực ra đã bóng gió về khả năng miễn thị thực ngắn hạn cho các công dân Ukraine và Grudia vào năm 2016 nhưng không dự định công bố chính thức tại hội nghị lần này ở Riga, bởi lý do là một số điều kiện cần hoàn tất để đạt được kết quả đó.
Tôi cho rằng an ninh và trật tư xã hội luôn là lý do hàng đầu cho những hạn chế về tự do đi lại giữa EU với các nước Đông Âu. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi xảy ra nhiều đe dọa về an ninh tại một số nước châu Âu và dòng người nhập cư bất hợp pháp từ nhiều nơi đổ dồn về EU.
Cụ thể như trong bối cảnh Ukraine còn chưa ổn định thì nguy cơ sẽ có những phần tử gây bất ổn tự do đi sang các nước châu Âu, và EU dĩ nhiên phải ngăn chặn điều đó. Chúng ta phải hiểu rằng, đi kèm với việc miễn thị thực là những câu hỏi lớn về bảo đảm an ninh, kiểm soát dòng người di cư và thêm cả vấn đề việc làm. Bởi rất nhiều công dân từ các nước Đông Âu tràn về các nước có nền kinh tế phát triển trong EU để tìm kiếm cơ hội việc làm và mong đổi đời; vô hình chung làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đối với công dân các nước sở tại.
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như Azerbaijan đang bị EU chỉ trích về vấn đề nhân quyền nặng nề tới mức Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này để bày tỏ sự phản đối. Rõ ràng là lòng tin chưa có đủ để EU có thể công bố miễn thị thực cho các đối tác phía Đông.
Tòa soạn: Đã có những đánh giá rằng, trong những năm qua EU đã không có sự hỗ trợ thực sự nào cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong khi đó, từ năm 2012, Nga đã triển khai một loạt chính sách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của EU ở khu vực mà đáng chú ý nhất là sự kiện Liên bang Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea hay việc triển khai quyết liệt kế hoạch Liên minh kinh tế Á-Âu. Thực tế, tính hiệu quả của sáng kiến "Đối tác phương Đông” mà EU thực hiện trong 6 năm qua như thế nào?
PV Thùy Vân: Tôi vẫn cho rằng, sức cuốn hút từ một EU thịnh vượng với đồng tiền chung vẫn rất mạnh với các nước phía Đông, cho dù phần nào hình ảnh của EU và sức mạnh của đồng Euro bị sụt giảm thời gian này. Vấn đề theo tôi là ở chiến lược của EU, họ thực sự muốn “gần” các đối tác Đông Âu này tới đâu.
Rõ ràng, nhiều nước EU không mặn mà với việc đưa các đối tác này gia nhập không gian chung của họ. Có chăng EU mong đợi các mối quan hệ đối tác này giúp họ che chắn được những đe dọa từ phía Nga và mở rộng các lợi ích kinh tế. Điển hình cho đến lúc này, EU ưu tiên viện trợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước Ukraine, Grudia và Moldova hơn là mở cánh cửa gia nhập hay chốt vấn đề miễn thị thực.
Các nước EU tại hội nghị lần này đều tuyên bố rõ ràng hội nghị không phải để khiêu khích Nga. Theo các nhà lãnh đạo EU, sáng kiến hướng Đông mang tính dài hạn vì tương lai chung của EU và các nước này chứ không phải để đối phó với Nga.
Dĩ nhiên, nước Nga vẫn có những sợi dây kết nối lịch sử và đặc biệt là lợi thế về ngôn ngữ trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước Đông Âu từng thuộc Liên Xô cũ. Còn về phía EU, để phán xét tính hiệu quả của sáng kiến “Đối tác phương Đông”, cần phải xem xét vào ý định thực sự của EU. Bởi trong bối cảnh cả khu vực gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những câu chuyện nợ nần và khủng hoảng của một số thành viên yếu kém như Hy Lạp… thì EU không hẳn đã mong muốn đẩy xa hơn những cam kết hỗ trợ thêm rộng và xa hơn.
Thêm vào đó, EU cho rằng một phần hợp tác của họ với các đối tác phương Đông kém hiệu quả là do vấn đề tuyên truyền của EU còn ít được chú ý. Trong khi đó, chiến lược tuyên truyền của Nga được đẩy mạnh trong cộng đồng dân số nói tiếng Nga ở trong các nước Đông Âu thuộc EU và các nước láng giềng.
Một báo cáo mới được công bố do tổ chức Quỹ châu Âu vì dân chủ tiến hành, nghiên cứu sâu tâm lý công chúng ở các nước châu Âu và đối tác phương Đông đối với truyền thông. Theo giám đốc điều hành của quỹ này - Jerzy Pomianowski thì không phải là triển khai một chiến dịch “chống phá tuyên truyền” của Nga mà phải tìm ra một phương cách thông minh để tiếp cận và mở rộng hình ảnh của EU với dư luận các nước Đông Âu.
Báo chí châu Âu cũng đưa tin Moscow mới tăng ngân sách 2015 cho mạng truyền thông tiếng Anh RT và cơ quan thông tấn quốc gia Rossiya Segodnya; đầu tư cho việc đưa thông tin bằng khoảng 12 thứ tiếng. Riêng phần tuyên truyền bằng tiếng Nga nhằm vào những người nói tiếng Nga ở các nước Baltic và nhiều nơi khác thì đặc biệt được chú trọng.
Nhưng như cách nói của cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng châu Âu hiện nay, thì EU vẫn tự tin vào sự hấp dẫn riêng của họ với các đối tác phương Đông. Ông Tusk nói rằng sáng kiến đối tác phương Đông không phải một cuộc chạy đua sắc đẹp giữa Nga với EU nhưng nói một cách thẳng thắn thì sắc đẹp cũng ghi điểm. Ông Tusk cho rằng "nước Nga nhẹ nhàng, hấp dẫn và cuốn hút hơn với các nước Đông Âu nhưng để bù đắp lại những thiệt hại do chính sách “hấp dẫn” ngắn hạn đó, thì Nga thực hiện chiến lược phá hủy đối với các nước láng giềng.
Tòa soạn: Thực tế cũng cho thấy, nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ một lần nữa đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn, theo phương Tây hay đứng về phía Nga. Cụ thể là trường hợp của Grudia. Theo một cuộc thăm dò, 31% người dân Grudia ủng hộ gia nhập liên minh Á – Âu, tỉ lệ này đã tăng gấp đôi trong 1 năm qua. Theo chị, trong thời gian tới, EU sẽ đẩy mạnh kế hoạch “Đông tiến” như thế nào?
PV Thùy Vân: Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, EU cũng khó và chưa hẳn đã muốn đẩy xa hơn hợp tác với các đối tác phương Đông xa hơn hợp tác, trao đổi kinh tế và viện trợ. Khả năng gia nhập thì còn rất xa vời, nếu không nói là không được bàn tới vào lúc này. Cần nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Đức là không hứa hẹn những gì mà EU sau này không thực hiện được. Rõ ràng, các nước EU nay cũng không còn dư dả gì để mà hỗ trợ phóng khoáng cho các nước Đông Âu.
Về kế hoạch miễn thị thực ngắn hạn, nếu không công bố chính thức vào ngày hôm nay thì khả năng triển khai như dự định ban đầu vào năm tới là rất khó.
Thêm vào đó, những tuyên bố của lãnh đạo EU trong hội nghị lần này, rằng hội nghị không phải là một sự “khiêu khích” với Nga, cho thấy EU muốn cân bằng và gìn giữ quan hệ với Nga. Vì thế, có thể EU sẽ chỉ duy trì sáng kiến này ở mức vừa phải như hiện nay, đặc biệt khi còn có những căng thẳng như vấn đề EU cáo buộc Azerbaijan về nhân quyền.
Tòa soạn: Xin cảm ơn chị!/.