Cuộc khủng hoảng nhập cư và nguy cơ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là hai chủ đề lớn bao trùm chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/2 tại thủ đô Brussels, Bỉ. Đây cũng là cuộc gặp mặt đầu tiên trong năm 2016 của các nhà lãnh đạo khối liên minh 28 nước thành viên này.
Hội nghị cấp cao lần này diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang trong tình trạng chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi thành lập cách đây 50 năm.
Nước Anh có rời khỏi EU hay không là vấn đề làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo khối này. (ảnh: Reuters). |
Những cải cách mà Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu Liên minh châu Âu phải đáp ứng để tiếp tục là một thành viên cốt cán của khối và cuộc khủng hoảng nhập cư có nguy cơ làm đổ vỡ Không gian tự do đi lại Schengen đang đặt liên minh 28 nước thành viên này trước những thử thách chưa từng có.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư được xem là nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, một nhiệm vụ khẩn cấp của Liên minh châu Âu đó là phải kiềm chế dòng người nhập cư. Để làm được điều này, Liên minh châu Âu phải giải quyết được 2 vấn đề lớn, đó là làm thế nào để giúp Hy Lạp, quốc gia cửa ngõ vào châu Âu, tổ chức tốt hơn việc tiếp nhập, cũng như lựa chọn người nhập cư và đảm bảo một mối quan hệ thật tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, điểm xuất phát của những người nhập cư.
Tuy nhiên, khó khăn đối với Liên minh châu Âu lúc này là thời gian không còn nhiều, trong khi tình trạng “mạnh ai nấy làm” đang ngày càng trở thành xu hướng trong khối. Chính phủ Áo ngày 17/2 đã quyết định siết chặt quy định về tiếp nhận người tị nạn, đồng thời triển khai những bước đi có phần cứng rắn hơn, tương tự như nhóm 4 nước Đông Âu là Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đang làm.
Những nước này, đều là thành viên của Không gian tự do đi lại Schengen muốn đóng cửa hoàn toàn các khu vực biên giới, xem đây là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nhập cư và thậm chí còn muốn khai trừ Hy Lạp ra khỏi khối Schengen. Thủ tướng Đức Merkel đã đánh giá, vấn đề nhập cư là một phép thử lịch sử của châu Âu, đồng thời bác bỏ ý tưởng của một số nước điều chỉnh lại hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn.
“Thành công hay thất bại của cuộc họp hội đồng châu Âu lần này không phải do vấn đề hạn ngạch quyết định. Vì thế, hội nghị sẽ chưa quyết định về vấn đề phân bổ lại hạn ngạch trong bối cảnh việc thực thi phân bổ 160.000 người tị nạn hiện nay chưa được thực thi. Đây sẽ chỉ là bước đi thứ 2 một khi bước đi thứ nhất hoàn thành”, Thủ tướng Đức cho biết.
Một chủ đề khác gây đau đầu các nhà lãnh đạo khu vực đó là sẽ nhượng bộ đến đâu để có thể tránh kịch bản nước Anh rời Liên minh châu Âu. Đây cũng là một trong những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên.
Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng những yêu cầu của nước Anh là “hợp lý và khả thi”, thì Pháp lại cho rằng, có nhiều điểm cần phải làm rõ.
Theo nước này, sẽ không có chuyện Liên minh châu Âu chấp nhận để cho nước Anh, một nước không thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euronzone) lại có quyền phủ quyết đối với những quyết định mà khu vực này đưa ra, chỉ để bảo vệ vị thế tài chính của mình. Và yêu cầu hạn chế trợ cấp xã hội đối với những lao động đền các nước thành viên khác của khối cũng khó có thể được chấp nhận.
Một ngày trước khi diễn ra hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo chưa có gì đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu có thể đạt được thỏa thuận giữ Anh ở lại "mái nhà chung".
“Các cuộc đàm phán đang bước vào thời điểm quan trọng. Đây là lúc chúng ta phải lắng nghe nhau, chứ không nên tiếp tục tình trạng mỗi người mỗi ý. Chúng ta cần phải nhớ rằng, nguy cơ đàm phán đổ vỡ là có thực”, ông Donald Tusk nói.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu lần này là cuộc gặp mặt đầu năm khó khăn nhất trong lịch sử liên minh hơn 50 năm tuổi này, với nhiều vấn đề gai góc nhất, nhiều mâu thuẫn sâu sắc nhất. Song đây cũng là phép thử cho sự đoàn kết và sức mạnh của khối ./.