Tại cuộc gặp này, hai bên đã nhất trí rằng, các đề xuất dự thảo nhằm cải cách EU của Anh đang tạo "nền tảng vững chắc" cho một thỏa thuận giữa EU và Anh.
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo của Anh và Pháp tuyên bố đã đạt được tiến bộ trong cuộc tái thương lượng tư cách thành viên EU của Anh.
Thủ tướng Anh Cameron (trái) và Tổng thống Pháp Hollande tại cuộc gặp ngày 16/2. Ảnh AFP |
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi một quan chức Pháp nói rằng đã có những dấu hiệu tích cực về khả năng đạt được một thỏa thuận nhưng "vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề quản trị kinh tế" trước khi các quốc gia EU có thể nhất trí về một thỏa thuận nhằm ngăn chặn Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh 28 nước thành viên này sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trước cuối năm 2017.
Theo dự thảo đề xuất, Anh sẽ được phép ngừng trả trợ cấp cho những lao động mới đến từ các nước châu Âu khác lên tới 4 năm. Liên quan vấn đề kinh tế, Anh- quốc gia không sử dụng đồng Euro - muốn đàm phán lại các điều khoản thành viên nhằm đảm bảo rằng nước này sẽ không bao giờ phải đóng góp cho quỹ bảo vệ đồng Euro.
Anh cũng muốn mọi vấn đề có ảnh hưởng tới toàn khối sẽ phải được tất cả 28 nước thành viên thảo luận chứ không chỉ 19 quốc gia sử dụng đồng Euro.
Liên quan đến các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận giữa Anh và EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giăng Jean-Claude Juncker cho rằng, thỏa thuận này là công bằng với cả 2 bên.
“Quan điểm của tôi rất rõ ràng: những đề xuất do Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đưa ra là đáp ứng những yêu cầu chính của Anh. Đây là một thỏa thuận công bằng đối với Anh. Đó cũng là một thỏa thuận công bằng đối với 27 nước thành viên còn lại và dĩ nhiên là hệ thống an sinh xã hội là trọng tâm chính”, ông Tusk nói.
Cùng ngày, Chủ tịch EC Donald Tusk nói rằng Hội nghị thượng đỉnh EU trong tuần này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai của khối liên minh 28 nước thành viên, trong đó các cuộc đàm phán nhằm giữ Anh ở lại EU đang ở "thời điểm quyết định", và các cuộc thương lượng với Anh cần phải được xử lý hết sức khéo léo.
“Đây là thời điểm quan trọng. Bây giờ là lúc chúng ra lắng nghe những lý lẽ của người khác hơn là chính bản thân mình, đặc biệt là ở những nút thắt khó khăn khi mà chúng ta càng đến gần thời điểm quyết định. Đó là bản chất của các cuộc đàm phán. Nhưng nguy cơ đàm phán đổ vỡ là có thực, vì quá trình này quả thực rất mong manh. Hãy thận trọng. Bởi điều gì đã đổ vỡ sẽ không thể sửa lại được”, ông Tusk nói.
Nếu 28 nước thành viên nhất trí với thỏa thuận trên cơ sở dự thảo đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk đưa ra thì Thủ tướng Anh Cameron dự kiến sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh sẽ ở lại hay rời khỏi mái nhà chung châu Âu ngay trong tháng 6/2016./.