Tuyên bố của Hà Lan đưa ra trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu tiếp tục chia rẽ sâu sắc về việc làm thế nào để châu lục này có thể ngăn chặn dòng người di cư  đổ về khu vực, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng tị nạn có thể sẽ lên đến đỉnh điểm vào mùa hè này.

Sau hơn 1 năm diễn ra khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu, các nước Liên minh châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. 

duc_muon_thue_no_le_nen_moi_mo_cua_cho_nguoi_di_cu_udie.jpg
Người di cư chờ đợi ở ngôi làng Roszke, Hungary để vượt biên vào châu Âu. (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với chia rẽ trong việc tìm kiếm sự đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn, trước hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào cuối tháng 2 này. 

Các nước Đông Âu đang có kế hoạch xây dựng hàng rào mới, thậm chí đồng minh quan trọng nhất của Berlin là Pháp cũng thể hiện không hào hứng với chính sách mở cửa đối với người tị nạn của Thủ tướng Merkel.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cuối tuần qua cho biết, dư luận chung tại Pháp không mấy mặn mà với lời kêu gọi của Thủ tướng Merkel về việc áp đặt hệ thống hạn ngạch tị nạn lâu dài. Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia ngày 15/2 cũng có kế hoạch thảo luận về việc làm thế nào để đóng cửa tuyến đường tị nạn chính thông qua Balkan.

Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak nhấn mạnh, nếu châu Âu không có chiến lược chung, sẽ là hợp pháp khi các quốc gia dọc tuyến đường Balkan bảo vệ biên giới của mình. Ông cũng phản đối kế hoạch của thủ tướng Merkel cho rằng, việc đặt hệ thống hạn ngạch chỉ giúp khích lệ dòng người di cư gia tăng vào khu vực.

Sự chia rẽ này trong bối cảnh EU có thể phải đối mặt với làn sóng người tị nạn mới khi mùa hè đang đến gần. Vào mùa hè, khi những điều kiện thời tiết và hàng hải ôn hòa nhất, sẽ là thời điểm "đỉnh điểm" của làn sóng di cư.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng cho biết đã mất dần kiên nhẫn đối với chính sách của châu Âu giải quyết khủng hoảng người tị nạn, cảnh báo có thể sẽ để hàng triệu người tị nạn đang ở nước này tới các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên những người đã đưa cho chúng tôi lời khuyên cũng nên đưa lời khuyên cho những nước khác rằng, chúng tôi có thể để những người tị nạn đến chính quốc gia của các bạn. Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra biện pháp dừng những người tị nạn tại cửa ngõ tới châu Âu, nhưng sau đó chúng tôi lại mở cổng và mong họ có một chuyến hành trình an toàn".

Slovenia ngày 14/2 cũng tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát số người nhập cư được phép vào quốc gia này, trong khi quốc gia láng giềng Áo cũng dự kiến đưa ra những biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm hạn chế dòng người nhập cư đổ vào châu Âu. Áo gần đây cũng hối thúc Macedonia sẵn sàng ngăn chặn dòng người di cư qua khu vực biên giới phía nam nước này từ Hy Lạp, đồng thời khẳng định Áo sẽ thực hiện điều này tại khu vực biên giới trong vài tháng nữa.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurrz nhấn mạnh: “Macedonia cần phải sẵn sàng chặn hoàn toàn cửa ngỏ đi vào của người di cư ở biên giới nước này. Bởi vì Macedonia là nước đầu tiên người di cư đến sau Hy Lạp. Chúng tôi biết đây là nhiệm vụ khó khăn, vì vậy chúng tôi nhất trí rằng Áo sẽ có sự trợ giúp cho Macedonia, không chỉ về nhân lực mà còn trang thiết bị để Macedonia có thể sẵn sàng theo cách hiệu quả nhất để đối phó với các thách thức”.

Phát biểu khi đi thăm Macedonia ngày 14/2, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders - nước chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu cho rằng, một số nước Liên minh châu Âu đang hối thúc Macedonia đóng cửa biên giới với Hy Lạp. Tuy nhiên kiểm soát biên giới hiệu quả là quan trọng hơn đóng cửa biên giới vào thời điểm này. /.