15 nước thành viên HĐBA và 20 nước thành viên LHQ đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp. Đại diện của Văn phòng Các vấn đề giải trừ quân bị, Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị, Văn phòng về Chống tội phạm của LHQ, Tổ chức Mạng nghiên cứu về an ninh con người và một số học giả đã tham dự cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các cơ quan của LHQ và một số học giả cho rằng việc buôn bán, chuyển giao bất hợp pháp vũ khí tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới. Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế, văn kiện và khuôn khổ hợp tác liên quan, trong đó có Chương trình hành động của LHQ về chống buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ và các nghị quyết liên quan của HĐBA. Các báo cáo viên chỉ ra nhiều thách thức, trong đó có việc vũ khí rơi vào tay các nhóm tội phạm, tổ chức khủng bố, và kêu gọi thực hiện tốt ở cấp quốc gia và hợp tác hiệu quả tại LHQ nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để vấn nạn này.
Nhiều phát biểu nêu bật việc thế giới đã chi cho mua sắm vũ khí trong một năm qua nhiều hơn cho cứu người trong đại dịch, trong khi số nạn nhân của vũ khí lên đến hàng chục nghìn mỗi năm, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Vấn nạn này đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều nơi như châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh, gây hậu quả tiêu cực về an ninh, phát triển kinh tế- xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại về hệ quả tiêu cực của nạn buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ, trong đó có việc làm kéo dài các cuộc xung đột, tác động tiêu cực đến các nỗ lực hòa bình, phát triển kinh tế-xã hội.
Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định ủng hộ các nỗ lực hợp tác khu vực, quốc tế bổ trợ cho các nỗ lực quốc gia, nhất là về điều phối các hoạt động, nguồn lực và chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm. Đại sứ nhấn mạnh cần có cách tiếp cận phù hợp với tình hình, địa bàn cụ thể ở cấp quốc gia, khu vực và kêu gọi ủng hộ các nỗ lực của châu Phi nhằm giải quyết vấn nạn ở khu vực này. Đại diện Việt Nam cho rằng cần vừa bảo đảm chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí, vừa tránh tác động tiêu cực đến năng lực quốc gia về bảo đảm quốc phòng, an ninh, kể cả trong các giai đoạn chuyển tiếp và hậu xung đột như ở nhiều nơi hiện nay./.