Hội đồng bảo an cũng nhất trí việc gia hạn tiếp 6 tháng đến ngày 10/7/2022 trên cơ sở báo cáo đánh giá của Tổng Thư ký LHQ về tính minh bạch của hoạt động vận chuyển xuyên biên giới, tiến triển của việc vận chuyển trong nội địa từ Damascus đến các vùng miền, thông qua hợp tác với Chính phủ Syria. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016 việc gia hạn cơ chế này được HĐBA thông qua với 15/15 phiếu thuận.

Việc gia hạn này cho phép LHQ và các đối tác nhân đạo có thể tiếp tục vận chuyển hàng nhân đạo tới khu vực Tây Bắc Syria thông qua cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nghị quyết 2585 cũng nhấn mạnh việc cần thúc đẩy các hoạt động chuyển hàng viện trợ trong nội địa, cũng như nhu cầu tăng cường hỗ trợ phục hồi sau xung đột và tác động nặng nề của Covid-19 trong thời gian qua.

Tình hình nhân đạo tại Syria trong hơn 10 năm xung đột luôn ở mức đặc biệt khó khăn. Từ đầu năm 2020, tình hình có xu hướng xấu đi rõ rệt hơn do hậu quả của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và tác động của đại dịch Covid-19. Số người cần được hỗ trợ nhân đạo trên cả toàn Syria hiện nay là hơn 13,4 triệu người - chiếm tới gần 75% dân số, tức tăng 21% trong một năm vừa qua.

Tuy ủng hộ việc cần tiếp tục việc cần tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, các thành viên HĐBA có khác biệt trong cách tiếp cận về hình thức vận chuyển. Một số thành viên cho rằng cần thúc đẩy vận chuyển hàng hoá nhân đạo xuyên biên giới để tiếp cận trực tiếp tới người dân tại các khu vực nhưng một số khác coi đây là biện pháp tạm thời, cần dần thu hẹp và thay vào đó thúc đẩy hợp tác với chính quyền Syria để vận chuyển để bảo đảm quyền của nước nhận.

Do vậy, việc thương lượng gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới diễn ra khá căng thẳng kể từ khi kênh viện trợ này thành lập năm 2014. Để đi đến nhất trí tại lần gia hạn này, thành viên HĐBA đã trải qua gần một tháng thương lượng ở nhiều cấp khác nhau, tại cả New York và thủ đô các nước./.