Hôm 18/4, năm thẩm phán quốc tế chuyên nghiệp của Tòa quốc tế về vụ Monsanto đã đưa ra quan điểm pháp lý của họ về trường hợp công ty sinh học nông nghiệp Monsanto. Họ đưa ra những kết luận quan trọng về cách hành xử của công ty này và về những bước phát triển cần thiết trong luật quốc tế.

monsanto_mxww.jpg
Logo của tập đoàn khét tiếng Monsanto. Ảnh: STL News.

Các thẩm phán kết luận rằng Monsanto đã tham gia vào hoạt động có tác động tiêu cực lên quyền được hưởng một môi trường trong sạch, quyền được ăn và quyền được sống khỏe. Cách hành xử của Monsanto còn ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do cần thiết cho nghiên cứu khoa học.

Monsanto là tập đoàn đã sản xuất chất chứa đựng dioxin dùng trong thuốc khai quang- chất độc da cam- mà quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe và di truyền (các khuyết tật ở trẻ sơ sinh và bệnh ung thư).
Ngoài ra, các thẩm phán cũng kết luận rằng bất chấp việc phát triển nhiều công cụ bảo vệ môi trường, vẫn còn khoảng cách giữa các cam kết và thực sự bảo vệ môi trường. Theo họ, cần phải cải thiện luật quốc tế để bảo vệ môi trường tốt hơn và đưa tội hủy diệt môi trường vào diện điều chỉnh của luật. Tòa kết luận rằng nếu tội hủy diệt môi trường được công nhận trong luật hình sự quốc tế, thì các hoạt động của Monsanto có thể cấu thành tội hủy diệt môi trường.

Tòa cũng tập trung vào khoảng cách mở rộng giữa luật nhân quyền quốc tế và trách nhiệm của doanh nghiệp. Tòa kêu gọi cần phải xác lập tính chủ đạo của luật quốc tế về quyền con người và quyền môi trường.

Một bộ quy tắc pháp lý được đưa ra để bảo vệ quyền của các nhà đầu tư trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới và trong các thỏa thuận đầu tư song phương và trong các điều khoản về thương mại tự do. Các điều khoản này có xu hướng làm xói mòn năng lực của các quốc gia trong việc duy trì chính sách, luật pháp và thực tiễn bảo vệ quyền con người và môi trường.

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cần khẩn cấp hành động. Nếu không, các vấn đề lớn sẽ được giải quyết thông qua các tòa án tư hoạt động hoàn toàn bên ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Tòa về Monsanto cũng hối thúc việc buộc các bên không thuộc khối nhà nước phải chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý nhân quyền quốc tế. Tòa tái khẳng định rằng các doanh nghiệp đa quốc gia phải bị coi là các bên có trách nhiệm và phải chịu sự phán xét của Tòa Hình sự Quốc tế trong trường họp họ vi phạm các quyền cơ bản.

Ý kiến trên của các thẩm phán là một tín hiệu mạnh đối với những ai liên quan đến luật quốc tế cũng như đối với các nạn nhân của các chất độc hóa học và các công ty. Tòa đã tạo ra các liên kết và chia sẻ các thông tin quan trọng giữa các luật sư và tổ chức đại diện cho các nạn nhân./.