Báo điện tử VOV xin giới thiệu bản dịch bài viết của tác giả Ate Hoekstra (đăng trên BBC) về những cựu chiến binh Mỹ như thế:

Hơn 40 năm sau khiChiến tranh Việt Namkết thúc, hàng chục cựu chiến binh Mỹ cao tuổi đã quay về đất nước Việt Nam để sinh sống. Một số người trong số họ gặp khó khăn trong việc thích ứng với đời sống dân sự ở Mỹ. Số khác thì quay lại với hy vọng chuộc lại lỗi lầm mà mình phạm phải thời chiến tranh.

Chiến trường Đà Nẵng

Ở chân dãy núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, những phụ nữ đội nón lá đang đi đi lại lại rao bán hàng lưu niệm. Các du khách được đưa lên trên đỉnh núi, ở đó một bên là vùng nông thôn miền Trung Việt Nam, một bên là Biển Đông sóng vỗ.

cuu_binh_1_kzsh.jpg
Đà Nẵng từng là một căn cứ quân sự lớn của quân viễn chinh Mỹ. Đồ họa: BBC.

Năm 1968 David Edward Clark cắm trại phía sau những ngọn núi này. Người cựu binh 66 tuổi nói, khi đó các quân nhân Mỹ không thể trèo lên núi được, vì họ sẽ thành “mồi ngon” cho các chiến sĩ “Việt Cộng” nằm quanh đó.

Clark kể: “Chúng tôi thậm chí có quy tắc là không bao giờ được rời khỏi doanh trại mà không mang theo súng”. Ông kể tiếp: “Thế là tôi kè kè cả ngày khẩu M16. Và tôi chĩa khẩu súng đó vào mặt mỗi người Việt tôi tình cờ gặp phải, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em. Tôi muốn họ phải sợ tôi. Điều này giúp tôi có cơ hội sống sót nhiều hơn”.

40 năm sau, Clark trở lại Việt Nam, lần này không phải để chống lại những người cộng sản, mà là để xây một cuộc sống mới. Clark là một trong khoảng 100 cựu binh Mỹ (hoặc nhiều hơn thế) vừa sang Việt Nam định cư. Nhiều người trong số họ sống bên trong hoặc xung quanh thành phố Đà Nẵng – nơi từng đặt sân bay quân sự bận rộn nhất của Mỹ và cũng là nơi những người lính Mỹ đầu tiên đến vào năm 1965.

Cựu binh Mỹ Clark và người vợ Việt. Ảnh: Charles Fox.

Đeo một chiếc kính râm to bản, ông Clark kể rằng khi quay về Mỹ sau chiến tranh, không ngày nào là ông thôi nghĩ về Việt Nam.

“Tôi thường tỉnh giấc bất chợt, người đầm đìa mồ hôi. Tôi thấy cả những người mà thực ra đang không ở cạnh tôi. Một lần tôi dậy vào nửa đêm và định bụng đặt mấy cái bụi cây quanh nhà tôi vì tôi nghĩ Việt Cộng đang đến xử tôi. Cách duy nhất để trốn chạy khỏi các ký ức đó là uống rượu thật say. Thế là tôi nốc rượu, rất nhiều”.

Năm 2007 Clark quay trở lại ngọn núi từng ngăn cách trung đội của ông với đối phương. Khi ấy lần đầu tiên ông leo lên đỉnh ngọn núi. “Trên đỉnh, tôi có cảm giác yên bình mà tôi chưa bao giờ có được trước đây. Không có bom đạn, không có giao tranh, không có chiến đấu cơ gầm rú trên đầu. Khi ấy tôi nhận thức được rằng chiến tranh đã qua rồi”.

Nơi bình yên

Ước tính có hàng chục ngàn cựu chiến binh đã quay trở lại Việt Nam kể từ thập niên 1990, chủ yếu là trong các chuyến viếng thăm ngắn ngủi tới những nơi mà họ từng chiến đấu. Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Sài Gòn thất thủ nhưng nhiều cựu quân nhân Mỹ vẫn ngạc nhiên tự hỏi vì sao họ lại đi đánh nhau ở Việt Nam.

Richard Parker, cũng 66 tuổi, là một người như vậy. Ông nói ông đã phát điên thời hậu chiến và trong suốt 20 năm, ông chìm vào lối sống chỉ có rượu, ma túy và tình dục.

Cựu binh Richard Parker. Ảnh: Charles Fox.

Parker tâm sự: “Tôi thành một gã cầu bơ cầu bất chuyên phục vụ trong các nhà hàng, nay đây mai đó. Tôi chả quan trọng việc mình sống hay chết.”

Ký ức về một thời hủy diệt và chết chóc ở Việt Nam vẫn tiếp tục ám ảnh Parker. Ông kể: “Tôi đã bị tẩy não nặng [ở Mỹ] nên trước khi tham chiến tôi đã muốn tiêu diệt những người cộng sản. Nhưng khi rời Việt Nam, tôi lại yêu con người nơi đây. Họ mà nguy hiểm ư? Điều duy nhất họ muốn làm là trồng lúa và sinh con”.

Trong nhiều năm Parker bị giày vò bởi chứng rối loạn căng thẳng tổn thương hậu chiến– một chứng bệnh hiện nay ảnh hưởng tới 11% cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Hàng chục ngàn người trong số họ đã tự sát.

Đối với Parker, cách duy nhất để chế ngự con quỷ đó là quay trở lại Việt Nam. “Ở đây tôi ít nhiều tìm lại yên bình cho bản thân. Thi thoảng tôi tới một địa điểm mà chúng tôi từng chiến đấu. Thời đó nơi ấy đầy hỗn loạn và chết chóc thì nay lại là nơi đầy hy vọng và sự sống”.

Một cựu binh khác, Larry Vetter làm việc cho trang web Child of War Vietnam chuyên giúp mọi người hiểu về “di sản” của Chiến tranh Việt Nam.

Lấy vợ Việt

Trong ngôi nhà rộng rãi của Vetter treo cả cờ Mỹ và Việt Nam. Bên trên ghế trường kỷ là một bức chân dung đám cưới - mùa hè này, ông lão 73 tuổi đã cưới cô bạn gái người Việt, tên là Doan Ha.

Larry Vetter (trái) âu yếm người vợ Việt ít tuổi hơn mình rất nhiều. Ảnh: Charles Fox.

Khi Vetter đến Đà Nẵng vào tháng 11/2012 ông chỉ có ý định ở đó 3 tháng để giúp một gia đình chăm sóc hai cậu con trai bệnh tật do ảnh hưởng của chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.

Vetter (bạn bè gọi ông là Đại úy Larry) nói: “Tôi có cảm tưởng chúng tôi cần phải phục hồi một số thứ ở đây… Chính phủ Mỹ từ chối làm việc đó thì tôi sẽ ở đây làm phần của mình”.

Một phần vì cảm giác có lỗi mà Vetter đã ở lại Việt Nam sau khi 3 tháng kia kết thúc.

“Có một cái tủ trong đầu tôi mà tôi không muốn mở, vì tôi sợ những thứ sẽ thoát ra từ đó. Tôi không biết chính xác có gì trong đó, nhưng thỉnh thoảng cánh cửa lại mở ra một chút và thế là tôi gặp ác mộng. Có lẽ chính cái tủ này là lý do khiến tôi có mặt ở Việt Nam. Tại đây chúng tôi đã làm quá nhiều thứ ngớ ngẩn”.

Chas Lehman nay đã hơn 70 tuổi. Ông để râu bạc phơ và đeo kính râm đen. Ông coi chuyến đi trở lại Việt Nam là theo ý Chúa. Ông nói, chính việc cải đạo sang Kitô giáo đã cứu ông khỏi rơi vào hố đen phiền muộn, ảo tưởng và rối loạn trầm cảm sau tổn thương.

Lehman nhớ lại: “Khi người ta gửi tôi sang Việt Nam, nhiệm vụ dường như rất đơn giản: “Tôi chỉ phải ngăn chặn “nước Nam Việt tự do” trở thành nô lệ của miền Bắc cộng sản. Nhưng từ lúc tôi đặt chân lên đất Việt Nam, tôi biết điều này là không đúng và rằng tôi phải ra khỏi đây”.”

Vẫn lời Lehman: “Trở lại Mỹ tôi cảm thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa. Tôi như vật dư thừa không xếp vừa vào bộ xếp hình. Đức Jesus đã cứu vớt tôi và mang lại ý nghĩa cho đời tôi”.

Cùng với một số tình nguyện viên, Lehman phát lương thực, đồ uống, quần áo chăn màn cho những người dân tộc thiểu số có cuộc sống thiếu thốn ở Tây Nguyên. Trong mỗi một chuyến đi, họ có thể trợ giúp cho 65 đến 300 gia đình.

Nụ cười trở lại

Thi thoảng Lehman đi dạy tiếng Anh, hầu hết thời gian còn lại ông dành để đọc sách, đi bộ, nói chuyện với bạn bè, và thưởng thức ẩm thực Việt.

Larry Vetter và bức ảnh cưới của ông và người vợ Việt Doan Ha. Ảnh: Charles Fox.

Mắt ông sáng lên khi giải thích lý do Việt Nam đã khiến ông vui vẻ trở lại. Những ngày này ông cười rất nhiều.

Lehman so sánh: “Người Việt họ tôn trọng tôi, có lẽ còn nhiều hơn cả những gì tôi nhận được ở Mỹ với tư cách là cựu chiến binh”.

David Clark muốn chứng kiến thêm nhiều cựu binh quay trở lại Việt Nam. Tự ông đã quay lại Việt Nam vài lần sau chuyến đi đầu tiên.

Thế rồi trong một hành trình xuyên Việt từ bắc vào nam bằng xe máy, một điều đặc biệt đã xảy đến với ông mà ông sẽ không bao giờ có được vào năm 1968 – ông phải lòng một phụ nữ Việt. Họ kết hôn cách đây 2 năm.

Người cựu binh Mỹ hít một hơi thật dài rồi tháo kính ra, lau đi những giọt lệ trên đó. Giọng Clark lạc đi: “Tôi ngày xưa cứ đinh ninh [một cách sai lầm] rằng người Việt là bẩn thỉu nhất, là loại cặn bã nhất thế giới. Nhưng giờ thì tôi thấy mình may mắn được sống ở đây. Tôi biết đây là nơi tôi phải sống. Chiến tranh đã qua đi và tôi cũng sẽ chết ở đây”.

Trong phòng khách, Larry Vetter đưa cho tác giả bài viết xem một bức ảnh trên máy laptop của mình. Trong bức ảnh, Vetter là một thanh niên chừng hai mươi mấy tuổi đang ngồi trong một chiếc trực thăng vào cuối thập niên 1960. Phía dưới máy bay là cánh rừng rậm Việt Nam, kế bên anh là một người lính lăm lăm khẩu súng máy.

Vetter nói: “Sau chiến tranh tôi có nhiều thắc mắc, nhưng chả ai cho tôi câu trả lời. Vì vậy tôi đã phải tự tìm hiểu lấy. Càng đọc tôi lại càng không hiểu vì sao tôi lại bị đưa sang Việt Nam. Tôi nhận ra họ đã nói dối tôi như thế nào và tự nhủ: Nếu mình mà là người Việt, mình chắc cũng sẽ chiến đấu bên phe Việt Cộng”.

Từ căn bếp, người vợ Doan Ha nhìn ông đầy âu yếm. Có thể là Đại úy Larry nhiều tuổi hơn so với chị và có nhiều ký ức về Việt Nam mà chị sẽ không bao giờ hiểu hết được, nhưng có một điều – chị rất yêu ông. Doan Ha nói: “Anh ý tốt bụng lắm, không chỉ đối với tôi mà với cả mọi người”.

Còn một cựu binh Mỹ nữa. Đó là một người đàn ông cao gầy đội mũ nan đi lang thang qua các con phố nhỏ của thành phố Hồ Chí Minh, tay nắm chặt một album ảnh. Ở bên cạnh ông là một người phiên dịch Việt Nam, Hung Phan – người đã giúp hàng chục cựu binh Mỹ tìm lại những người con bị thất lạc của họ trong 20 năm qua.

Vị khách hàng mới nhất này của Hung Phan là Jerry Quinn. Ông mới sang Việt Nam để tìm con trai của mình./.