Tiến trình hòa đàm Trung Đông đang bước vào giai đoạn quan trọng khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến hạn chót cho một thỏa thuận hòa bình giữa Palestine và Israel. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại giữa hai bên suốt 7 tháng qua dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ cho đến thời điểm này vẫn chưa đạt được một bước đột phá đáng kể nào. 

israel_palestine.jpg
"Công thức mới" cho hòa bình Trung Đông liệu có đạt được đột phá (Ảnh: internationalpost)

Trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmouh Abbas hôm 17/3, Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra đề xuất “mạo hiểm cho hòa bình”, được xem là công thức mới cho cả Palestine và Israel. Trước nguy cơ hòa đàm Trung Đông đi chệch hướng khi Israel đe dọa không trả tự do cho nhóm tù nhân Palestine cuối cùng còn lãnh đạo Palestine vẫn từ chối công nhận hai điều kiện quan trọng trong văn kiện dự thảo hiệp định hòa bình khung, có lẽ Washington không còn cách nào khác là thúc giục hai bên phải đi những nước cờ mạo hiểm.

Theo dự thảo, hai điều kiện này là đồng ý cho quân đội Israel tiếp tục hiện diện tại biên giới giữa Palestine và Jordan trong thời gian chuyển tiếp và Palestine phải chính thức công nhận Nhà nước Do Thái.

Tuy nhiên, hiện cả lãnh đạo Palestine và Israel đều chưa có một phản ứng nào về quyết tâm mạo hiểm đánh đổi lấy một thỏa thuận khung hướng tới hòa bình cho khu vực. Trong chuyến thăm mới đây tới Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Netanyahu đã bị cảnh báo công khai khả năng Israel bị cô lập trong tương lai nếu không tán thành bản dự thảo hiệp định hòa bình khung mà Mỹ đề xuất. Nhưng nếu đồng ý, ông Netanyahu sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ liên minh cánh hữu của mình. 

Về phía Palestine, Tổng thống Abbas cũng chưa hề bày tỏ bất cứ sự nhượng bộ nào liên quan đến hai điều khoản quan trọng nói trên. Trong cuộc gặp với Tổng thống Obama, không nhắc trực tiếp tới yêu cầu đòi chính thức công nhận Nhà nước Do Thái, ông Abbas cho rằng, người Palestine đã thừa nhận tính hợp pháp của Israel vào năm 1988 và thừa nhận nhà nước Israel năm 1993. Bên cạnh đó, đồng ý với hai điều kiện trên, cũng có nghĩa là ông Abbas tự đặt mình vào thế khó trong nội bộ cũng như khiến bất đồng giữa hai phái Fatah và Hamas trở nên sâu sắc hơn.

Với thực tế như vậy, hòa đàm giữa Palestine và Israel đang đứng trước một tương lai bế tắc chưa có lối thoát. Đó còn chưa kể, cuộc khủng hoảng bất ngờ từ Ukraine đã làm giảm phần nào sự chú ý của Washington để thúc đẩy hòa đàm Trung Đông, vốn được xác định là một trong ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. Chính vì vậy, "công thức mới" cho hòa bình Trung Đông của ông Obama mới nghe thì rất mạnh mẽ nhưng dường như chỉ là nhằm giúp kéo dài tiến trình đàm phán sau thời hạn chót 29/4 sắp tới không để sáng kiến mới nhất này “chết yểu” như những lần trước đây./.