Một chương sử đầy biến động và xung khắc
Từ thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên (TCN), nhà nước cổ đại của người Do Thái đã ra đời ở vùng đất Palestine. Vào thế kỷ thứ 8 TCN, các quốc gia của người Do Thái bị tiêu diệt, Palestine lần lượt nằm dưới sự cai trị của các Đế chế Assyria, Đế chế Babylon, Đế chế Ba Tư, Đế chế La Mã trong hàng thế kỷ tiếp theo, trước khi người Hồi giáo Arab chiếm được khu vực này vào thế kỷ thứ 8. Palestine trở thành một phần của Đế chế Ottoman từ giữa thế kỷ 16.
Khởi nguồn của cuộc xung đột Arab-Do Thái đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của các phong trào dân tộc Arab và chủ nghĩa phục quốc Do Thái, hướng tới mục tiêu giành độc lập từ Đế chế Ottoman và thành lập một quốc gia có chủ quyền ở khu vực Trung Đông. Với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái ở Châu Âu, một làn sóng di cư của người Do Thái tới Palestine đã diễn ra đầu những năm 1880. Sau thất bại của Đế chế Ottoman trong Thế chiến I, năm 1918, Palestine đã trở thành một vùng lãnh thổ Ủy trị của Anh.
Coi làn sóng nhập cư của người Do Thái vào Palestine là kẻ thù lớn nhất trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của người Arab, Amin al-Husseini - lãnh đạo của phong trào dân tộc Arab tại Palestine - đã khởi xướng các cuộc bạo loạn quy mô lớn chống lại người Do Thái vào đầu năm 1920 ở Jerusalem và năm 1921 tại Jaffa. Năm 1929, một loạt các cuộc bạo loạn chống Do Thái đã được các nhà lãnh đạo Arab phát động.
Các cuộc bạo loạn này đã dẫn đến thương vong lớn của người Do Thái tại Hebron và Safed, buộc họ phải sơ tán khỏi Hebron và Gaza. Một cuộc bạo loạn đẫm máu của người Arab đã diễn ra vào năm 1936 nhằm chống lại sự cai trị của Anh và chống lại làn sóng nhập cư của người Do Thái, song bị quân đội Anh trấn áp. Người Do Thái và người Arab gây sức ép kêu gọi người Anh trao trả độc lập, cả hai đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng đất Palestine và không chấp nhận phân chia lãnh thổ.
Thế chiến II bùng nổ, tình hình căng thẳng có phần nào dịu xuống, người Do Thái và người Arab tạm thời hợp tác với nhau, đứng về phe Đồng minh. Tuy nhiên, một số người theo chủ nghĩa dân tộc Arab cực đoan như al-Husseini có xu hướng hợp tác với Đức Quốc xã, đã tham gia thành lập một bộ máy tuyên truyền ủng hộ phát xít và chống Do Thái trong thế giới Arab. Cuối Thế chiến II, một làn sóng nhập cư mới vào Palestine của những người Do Thái sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust ở châu Âu đã khiến cho mâu thuẫn giữa hai bên bùng phát trở lại.
Người Anh đã thực hiện chính sách hạn chế người Do Thái nhập cư, khiến cho phong trào đấu tranh của người Do Thái chống lại người Anh ở Palestine trở nên quyết liệt. Áp lực quốc tế kêu gọi Anh trao trả độc lập cho người Do Thái cũng gia tăng. Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 181 (II), thực hiện kế hoạch phân chia vùng đất Palestine thành một nhà nước của người Arab và một nhà nước của người Do Thái, trong khi thành phố thánh Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế.
Người Do Thái nhanh chóng chấp nhận kế hoạch này, song người Arab lại phản đối và đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ Palestine. Tuân thủ theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc, người Do Thái đã chính thức tuyên bố thành lập nhà nước Israel vào ngày 14/5/1948, cả hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô đều ngay lập tức công nhận nhà nước mới này chỉ sau chưa đầy một tiếng đồng hồ. Trước tình hình đó, các nước Arab đã đem quân xâm lược Israel, dẫn đến Chiến tranh Arab-Israel 1948, gây ra khoảng 15.000 thương vong và kết thúc với phần thắng thuộc về Israel.
Theo thỏa thuận ngừng bắn và đình chiến được ký kết giữa hai bên vào năm 1949, hầu hết các vùng lãnh thổ tại Palestine được phân chia cho người Arab theo Nghị quyết 181 (II) đã bị sáp nhập vào Israel, trong khi Jordan sáp nhập Bờ Tây và Ai Cập chiếm Dải Gaza. Đồng thời Israel cũng sáp nhập Tây Jerusalem, còn Đông Jerusalem tạm thời được đặt dưới quyền kiểm soát của Jordan. Bị mất toàn bộ lãnh thổ, một làn sóng di cư khổng lồ của người Arab tại Palestine sang các quốc gia láng giềng đã bùng nổ.
Trong những năm 1950, Jordan và Ai Cập ủng hộ các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới của lực lượng phiến quân Fedayeen vào lãnh thổ Israel, buộc Israel phải tiến hành các động thái đáp trả. Năm 1954, Ai Cập bắt đầu phong toả Eo Tiran, ngăn cản mọi con tàu tới Eilat. Ngày 26/7/1956, Ai Cập quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez, và đóng cửa kênh đào này với tàu bè Israel. Ngày 29/10/1956, Israel trả đũa bằng cách xâm chiếm Bán đảo Sinai với sự hỗ trợ của Anh và Pháp. Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 dẫn đến sự chiếm đóng ngắn hạn của Israel đối với Dải Gaza, tuy vậy biên giới cũ đã được khôi phục không lâu sau đó.
Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được Yasser Arafat thành lập; năm 1967, các nước Arab lên kế hoạch xâm lược Israel lần thứ hai. Với mục đích tự vệ, Israel đã mở một chiến dịch tấn công phủ đầu vào cả ba nước Arab là Syria, Jordan và Ai Cập, dẫn đến sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Kết thúc cuộc chiến, Israel đã chinh phục được Bờ Tây (bao gồm cả Đông Jerusalem), Dải Gaza, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai, đánh dấu một thất bại nặng nề của khối Arab.
Sau cuộc chiến Sáu ngày, PLO buộc phải tháo chạy sang Jordan, nơi vua Hussein đã cung cấp các căn cứ và nơi trú ẩn cho họ. Tuy vậy, đến năm 1970, PLO bất ngờ phản bội Hussein và quay sang chống lại ông trong sự kiện đẫm máu được gọi là “Tháng Chín đen tối”. Thất bại trước quân đội chính phủ Jordan, PLO lại phải di dời đến Nam Lebanon, nơi đã được PLO sử dụng làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố vào miền bắc Israel cũng như các chiến dịch không tặc trên toàn thế giới.
Một trong những hành động khủng bố khét tiếng nhất của các nhóm dân quân Palestine trong thời gian này là vụ bắt giữ và giết hại 11 vận động viên Israel tại Thế vận hội Olympic năm 1972. Bên cạnh đó, những phần tử khủng bố Palestine còn chịu trách nhiệm trong vô số các cuộc tấn công đáng chú ý khác, chẳng hạn như vụ không tặc chuyến bay Sabena 571 và vụ thảm sát ở sân bay Lod.
Trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, các lực lượng quân sự của Ai Cập và Syria lại tấn công Israel nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ bị mất trong chiến tranh Sáu ngày, song cuộc xâm lược tiếp tục thất bại trước sự phản kháng mạnh mẽ của Israel. Để chứng tỏ thiện chí hòa bình, Israel đã trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập theo Hiệp định Hòa bình David Camp năm 1978, với hy vọng thiết lập một nền hòa bình thực sự ở Trung Đông.
Tuy vậy những hi vọng về việc lập lại hòa bình đã tan vỡ sau vụ thảm sát Coast Road được tiến hành bởi PLO cũng trong năm đó, khiến nhiều dân thường Israel thiệt mạng. Sau vụ việc nhóm vũ trang ANO của Palestine ám sát hụt một nhà ngoại giao Israel vào năm 1982, Israel đã đáp trả bằng việc mở một cuộc tấn công toàn diện vào Lebanon. Các nhóm vũ trang của Palestine bị đánh bại nhanh chóng trong vòng vài tuần, và trụ sở của PLO đã được sơ tán đến Tunisia vào tháng 6 theo quyết định của Yasser Arafat.
Phong trào Intifada đầu tiên của người Palestine nổ ra vào năm 1987. Đến đầu những năm 1990, các nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc xung đột đã bắt đầu, nhờ vào thành công của hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel năm 1982. Hiệp định Oslo năm 1993 đã cho phép PLO di dời khỏi Tunisia và thành lập Chính quyền Quốc gia Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Tiến trình hòa bình đã vấp phải sự phản đối đáng kể từ các nhóm Hồi giáo cực đoan của Palestine, tiêu biểu là Hamas, đã ngay lập tức khởi xướng một chiến dịch khủng bố nhắm vào người Israel.
Sau nhiều năm đàm phán không thành công, cuộc xung đột đã nổ ra lần thứ hai vào tháng 9/2000. Bạo lực đã leo thang thành một cuộc xung đột mở giữa Lực lượng An ninh Quốc gia Palestine và Lực lượng Phòng vệ Israel, kéo dài trong suốt những năm 2004-2005. Sau khi cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Palestine giữa 2 phe là Fatah và Hamas nổ ra vào năm 2007, Hamas đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực. Căng thẳng giữa Israel và Hamas leo thang cho đến cuối năm 2008, khi Israel triển khai chiến dịch Cast Lead tại Gaza, dẫn đến hàng ngàn thương vong và thiệt hại hàng tỷ USD.
Tháng 2/2009, một lệnh ngừng bắn đã được ký kết với sự tham gia hòa giải của cộng đồng quốc tế, mặc dù những cuộc giao tranh lẻ tẻ giữa hai bên vẫn tiếp diễn. Ngày 29/11/2012, Nghị quyết số 67/19 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được thông qua, nâng cấp Palestine lên vị thế “nhà nước quan sát viên phi thành viên” tại Liên Hợp Quốc. Việc thay đổi vị thế này được mô tả là công nhận thực tế chủ quyền quốc gia của Palestine.
Những vấn đề đang nhức nhối
Jerusalem là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm, khi mà cả hai bên đều khẳng định yêu sách chủ quyền đối với thành phố này. Jerusalem có vai trò quan trọng đối với cả ba tôn giáo Abraham lớn nhất là Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Jerusalem là thành phố linh thiêng nhất của Do Thái giáo, là địa điểm tọa lạc trước đây của các đền thờ Do Thái trên Núi Đền và cũng là thủ đô của vương quốc Israel cổ đại. Với các Kitô hữu, Jerusalem là nơi đã từng chứng kiến Chúa Jesus bị hành quyết, cũng là nơi tọa lạc của Nhà thờ Mộ Thánh. Với người Hồi giáo, Jerusalem là địa điểm mà nhà tiên tri Mohammad đã thực hiện “hành trình đêm đến thiên đường”, cũng là nơi đặt Thánh đường Hồi giáo al-Aqsa.
Trụ sở của nhiều cơ quan chính phủ Israel như Quốc hội và Tòa án tối cao đã được xây dựng ở Tây Jerusalem kể từ thời điểm Israel chiếm được khu vực này sau Chiến tranh Arab-Israel năm 1948. Sau khi Israel sáp nhập Đông Jerusalem từ Jordan vào năm 1967, quốc gia này đã giành quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) đối với Đông Jerusalem nói riêng và toàn bộ Jerusalem nói chung. Năm 1980, Israel đã thông qua Luật Jerusalem, tuyên bố “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trại David và Taba 2000-2001, Mỹ đã đề xuất một kế hoạch phân chia thành phố trong đó Đông Jerusalem sẽ được trao cho nhà nước Palestine, Tây Jerusalem được trao cho Israel. Tất cả các công trình khảo cổ nằm dưới Núi Đền sẽ được chính phủ Israel và Palestine cùng kiểm soát. Cả hai bên đã chấp nhận đề xuất này trên nguyên tắc, nhưng hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng đã thất bại và kế hoạch không được thực thi.
Người tị nạn Palestine là những người mất cả nhà cửa và phương tiện sinh nhai do cuộc xung đột giữa Israel với các quốc gia Arab năm 1948 và Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Số người Palestine chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi Israel sau khi nhà nước Israel được thành lập ước tính 711.000 người. Khoảng 350.000-400.000 người Palestine đã phải di dời sang các nước khác trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967. Một phần ba số người tị nạn sống trong các trại tị nạn ở Jordan, Lebanon, Syria, Bờ Tây và Dải Gaza. Phần còn lại sống trong và xung quanh các thành phố và thị trấn của các quốc gia sở tại.
Hầu hết những người tị nạn này được sinh ra bên ngoài Israel, nhưng là hậu duệ của những người tị nạn gốc Palestine. Lãnh tụ PLO Yasser Arafat công khai khẳng định rằng những người tị nạn Palestine có quyền để trở về nơi họ sống trước năm 1948 và 1967, thậm chí đã trích dẫn các Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền và Nghị quyết Đại hội đồng LHQ 194 làm cơ sở. Tuy vậy Mahmoud Abbas - người đứng đầu hiện tại của Tổ chức Giải phóng Palestine - đã từng nói trong một cuộc thảo luận riêng rằng “thật phi lý khi yêu cầu Israel tiếp nhận tới 5 triệu người tị nạn, hoặc thậm chí là 1 triệu. Điều đó sẽ là sự kết thúc của Israel”.
Các khu định cư của Israel là các cộng đồng dân sự có công dân Israel sinh sống, được xây dựng trên các vùng đất mà Israel đã chiếm được trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Các khu định cư của Israel hiện đang tồn tại ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem cũng như ở Cao nguyên Golan, và trước đây đã từng tồn tại ở Bán đảo Sinai cũng như Dải Gaza. Israel đã sơ tán và dỡ bỏ 18 khu định cư ở Sinai sau thỏa thuận hòa bình Ai Cập-Israel năm 1979 và tất cả 21 khu định cư ở Dải Gaza vào năm 2005 khi chính phủ nước này tuyên bố rút khỏi Dải Gaza...
Nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng việc xây dựng các khu định cư là “vi phạm luật pháp quốc tế”, tuy vậy chính phủ Israel đã bác bỏ những cáo buộc này. Cựu Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế Steve Schwebel cũng đưa ra phán quyết khẳng định rằng sự hiện diện của Israel ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza được gắn với quyền tự vệ, do đó không thể được định nghĩa là “chiếm đóng”. Về mặt pháp lí, chính quyền Palestine chưa từng xác lập chủ quyền đối với Bờ Tây. Chính PLO trong bản hiến chương của mình cũng đã khẳng định rằng họ hoàn toàn không có chủ quyền đối với Bờ Tây, điều 24 hiến chương PLO nêu rõ: “Tổ chức này không thực hiện bất kỳ chủ quyền lãnh thổ nào đối với Bờ Tây thuộc Vương quốc Jordan, đối với Dải Gaza hoặc trong Khu vực Himmah”.
Trong suốt cuộc xung đột, những hành vi khủng bố và bạo lực được tiến hành bởi những phần tử khủng bố Palestine luôn là mối lo ngại hàng đầu của người dân Israel. Chính phủ Israel, cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu, coi hành vi bạo lực nhằm vào dân thường cũng như lực lượng quân sự Israel của các nhóm chiến binh Palestine là biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố. Có rất nhiều động cơ đằng sau các hành vi khủng bố của người Palestine nhằm vào thường dân Israel, tuy nhiên mục tiêu cơ bản vẫn là tiêu diệt nhà nước Israel và thay thế bằng một nhà nước Arab của người Palestine.
Các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan nhất, chẳng hạn như Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine, coi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là một cuộc thánh chiến tôn giáo. Giao tranh giữa người Palestine và các nhóm Arab đối địch đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách an ninh của Israel đối với các chiến binh Palestine, cũng như trong các chính sách của chính giới lãnh đạo Palestine.
Ngay từ cuộc nổi dậy năm 1930 ở Palestine, các lực lượng Arab đã giao tranh lẫn nhau nhau trong khi cùng lúc giao tranh với quân Zionist và Anh, và xung đột nội bộ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Trong Nội chiến Lebanon, những người theo chủ nghĩa Baathi của Palestine đã ly khai khỏi PLO và liên minh với Phong trào Shia Amal, gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu khiến hàng nghìn người Palestine thiệt mạng. Cuộc chiến dai dẳng, hao người tốn của Israel-Palestine chưa biết bao giờ chấm dứt./.