Căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp các nỗ lực ngoại giao đang được triển khai. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 16/5 đã phải triệu tập cuộc họp khẩn lần thứ 3 chỉ trong vòng 1 tuần, song cũng không thể đi tới một tuyên bố chung hay đưa ra bất kỳ đề xuất nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Rạng sáng nay (theo giờ địa phương), máy bay chiến đấu của Israel tiếp tục các cuộc tấn công cường độ cao nhằm vào nhiều địa điểm trên Dải Gaza. Theo Hãng tin AP, cuộc tấn công diễn ra trong khoảng 10 phút. Đây là hoạt động quân sự mới nhất của Israel tại Dải Gaza, được tiến hành trên một khu vực rộng lớn hơn, với thời gian kéo dài hơn so với 1 ngày trước đó.

Cuộc tấn công quy mô lớn trước đó cùng ngày đã san phẳng 3 tòa nhà tại Gaza chỉ trong vòng 5 phút và khiến 42 người thiệt mạng. Đây cũng là con số thương vong lớn nhất từng được ghi nhận trong các vụ “ăn miếng trả miếng” giữa Israel và Hamas.

Đặc biệt, vụ không khích đã khiến một thành viên cấp cao của Ủy ban kiểm soát Covid-19 tại Gaza thiệt mạng. Đây là một tổn thất lớn đối với hệ thống sức khỏe vốn đã mong manh của Gaza trong bối cảnh vùng lãnh thổ Palestine này cũng đang phải vật lộn với sự gia tăng số ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, cả Israel và phong trào vũ trang Hamas đều không cho thấy ý định hạ nhiệt căng thẳng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã mô tả cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là “hoàn toàn kinh hoàng”, đồng thời kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức bạo lực: “Những hành động thù địch hiện nay là hoàn toàn kinh hoàng, chỉ càng kéo dài hơn nữa vòng xoáy chết chóc, hủy diệt và tuyệt vọng, khiến hy vọng về một tương lai chung sống hòa bình càng trở nên xa vời.  Giao tranh phải dừng lại ngay lập tức. Tất cả các bên phải tôn trọng luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế. Hiện trạng tại các thánh địa phải được duy trì và tôn trọng".

Bùng phát vào thời điểm nhạy cảm tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tại địa điểm nhạy cảm Đông Jerusalem, thánh địa linh thiêng của người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo, ngọn lửa căng thẳng càng có “cơ hội” bùng cháy dữ dội. Cộng đồng quốc tế lo ngại kịch bản xung đột 50 ngày năm 2014 khiến hàng nghìn người thiệt mạng sẽ lặp lại.

Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được triển khai trong những ngày qua, song đều chưa mang lại kết quả. Mới đây nhất, cuộc họp khẩn lần thứ 3 chỉ trong vòng 1 tuần của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra hôm 16/5 đã không thể thông qua một tuyên bố chung hay bất kỳ đề xuất nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế vẫn đạt được nhận thức chung rằng, những căng thẳng hiện nay cần phải chấm dứt để tạo điều kiện cho ngoại giao.

Theo Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nếu Israel và Palestine nhất trí muốn ngừng chiến nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đang ngày càng diễn biến tồi tệ giữa hai bên. “Điều quan trọng là tất cả các bên phải quay trở lại làm việc với thiện chí hướng tới giải pháp về một nhà nước Israel và Palestine chung sống hòa bình với các đường biên giới được công nhận. Chúng tôi cam kết hợp tác với các bên trong khu vực để biến tương lai đó thành hiện thực”.

 Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh, giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay. Kể từ đầu tuần trước, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Israel và các lực lượng tại Dải Gaza, dù đề xuất tới nay vẫn chưa được các bên chấp nhận.

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng dự kiến sẽ nhóm họp khẩn trực tuyến vào ngày mai (18/5) để bàn về tình hình hiện nay, cũng như những biện pháp mà khối này có thể làm nhằm góp phần chấm dứt bạo lực./.