Điều gì đã dẫn đến "lệnh cấm"?
Trong lịch sử đất nước Xô viết, cuộc chiến chống nghiện rượu đã diễn ra vào các năm 1918, 1929, 1958, 1972. Nhưng trận chiến lớn nhất, gây ra những hậu quả kinh tế vĩ mô nghiêm trọng nhất đó là "cuộc thập tự chinh" (1985-1987) của Mikhail Gorbachev.
Đến năm 1984, mức tiêu thụ rượu ở Liên Xô bình quân đầu người, bao gồm cả trẻ sơ sinh, là 10,5 lít mỗi năm, nếu tính cả rượu “cuốc lủi” là 14 lít. Trong cả nước, có 5 triệu người nghiện rượu, bao gồm cả phụ nữ và số lượng tăng nhanh hàng năm. Rượu dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động tại các doanh nghiệp, tăng số vụ tai nạn giao thông, số trẻ em bị bỏ rơi không có sự chăm sóc của cha mẹ và nhiều vấn đề khác.
Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tính toán rằng hàng năm nền kinh tế quốc gia thiệt hại 80-100 tỷ rúp do lạm dụng rượu. Mỗi rúp thu được từ rượu khiến nền kinh tế thiệt hại 4-5 rúp trong các ngành công nghiệp khác. Các chuyên gia cho rằng nếu nhà chức trách đối phó với lạm dụng rượu, sẽ làm giảm chi tiêu của nhà nước khoảng 100 tỷ rúp mỗi năm. Gorbachev ngay lập tức đặt ra một lộ trình để thúc đẩy tích cực sự phát triển kinh tế - xã hội và bắt đầu thực hiện chương trình chống rượu mà ông đã tham gia dự thảo trong Ủy ban Trung ương dưới thời Brezhnev.
Đòn quyết định
Khởi đầu chiến dịch chống rượu bia được khởi xướng bởi các nghị quyết của Ủy ban Trung ương CPSU ban hành ngày 7/5/1985 "Về các biện pháp khắc phục chứng say rượu và nghiện rượu" và của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô "Về các biện pháp khắc phục tình trạng say rượu và nghiện rượu, cấm tự nấu rượu". Sắc lệnh của Gorbachev "Về việc tăng cường cuộc chiến chống say rượu" được công bố vào ngày 16/5.
Trên cả nước, 2/3 cơ sở đóng chai và số điểm bán rượu phải đóng cửa, bất chấp việc giá rượu bia tăng gấp 2,5-3 lần. Việc bán rượu được thực hiện nghiêm ngặt, chỉ từ 14h đến 19h. Tiền phạt vì uống rượu ở nơi công cộng tăng lên 100 rúp - mức lương trung bình hàng tháng vào thời điểm đó. Rượu champagne không cồn được bày bán để thay thế champagne thật. Sau đó, phiếu mua rượu được phát hành. Một chiến dịch tuyên truyền đã được phát động với phương châm "Tỉnh táo là chuẩn mực của cuộc sống".
Các đám cưới không rượu được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, các cảnh có dùng rượu đã bị cắt khỏi các bộ phim… Trên tàu đường dài bị cấm uống rượu, nếu vi phạm có thể bị cho xuống tàu. Ai say xỉn tại nơi làm việc sẽ bị đuổi việc, các đảng viên say rượu sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.
Kết quả tích cực hay sự thật được thêu dệt?
Theo Cục Thống kê Trung ương, mức tiêu thụ rượu bia đã giảm 2,5 lần, tuổi thọ trung bình tăng từ 62,4 tuổi (năm 1984) lên 65 tuổi (năm 1986), tỷ lệ tử vong của dân số trong độ tuổi lao động giảm 20%, riêng nam giới giảm 37%. Tỷ lệ sinh tăng 0,5 triệu mỗi năm, số trẻ sơ sinh bị khiếm khuyết giảm hơn 8%. Năng suất lao động trong giai đoạn 1986-1987 tăng trưởng hàng năm 1%, mang lại thêm 9 tỷ rúp.
Số vụ tai nạn trên đường giảm gần 30%, số tiền tiết kiệm được là 0,25 tỷ rúp, số vụ tội phạm đã giảm 70%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng tăng 45 triệu rúp. Việc tiêu thụ nước giải khát và nước khoáng đã tăng gấp 2 lần. Tuy nhiên, theo một số học giả, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Đó là những năm mà tội phạm tràn lan thực sự bắt đầu, vì vậy sẽ đúng hơn nếu gọi dữ liệu về giảm tội phạm là mơ tưởng.
Số liệu thống kê gia tăng tỷ lệ sinh không phản ánh thực tế, không đáng tin cậy. Trên thực tế, niềm tin vào tương lai gần đã dẫn đến sự gia tăng số lượng phụ nữ sinh con. Mọi người vào thời điểm đó chỉ đơn giản là có một cảm xúc thăng hoa tốt và tự tin rằng cuộc sống sắp được cải thiện.
Về sự giảm sút của những người nghiện rượu, các số liệu thống kê không nói lên bất cứ điều gì về sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng người nghiện ma túy. Nhiều người đã chuyển từ rượu khan hiếm sang các loại ma túy có giá cả phải chăng hơn và nguy hiểm hơn nhiều. Điều tương tự cũng có thể nói về việc nhấn mạnh vào việc giảm tỷ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch. Chỉ số này quả thực đã giảm nhưng chỉ số khác - tử vong do sử dụng các chất độc hại, ma túy lại gia tăng.
Tiêu cực nhanh chóng tích tụ
Hiện thân rõ ràng của chiến dịch là người ta xếp hàng hàng giờ để uống rượu, các cuộc ẩu đả thường xuyên nổ ra. Những người hưởng lương hưu, những người có thời gian rảnh rỗi, không giống như những người lao động, đã xếp hàng trước, để sau đó họ có thể bán chỗ với giá 3-5 rúp. Việc bán rượu lậu, chủ yếu là rượu vodka, phát triển mạnh. Những người bán hàng và quản lý các cửa hàng bán rượu không ngần ngại bày bán “chui” từ cửa sau, chỉ bán cho người quen, không bán cho người lạ, vì sợ công an.
Những người uống rượu bắt đầu tự nấu rượu tại nhà - điều làm tăng đáng kể nhu cầu về đường, và sau đó gây ra sự thiếu hụt đường, buộc phải áp dụng chế độ bán bằng phiếu. Việc sử dụng các chất lỏng có chứa cồn, thuốc ngâm từ thảo mộc, nước hoa, cồn công nghiệp, bao gồm nước rửa kính chắn gió ô tô và keo BF-6… tăng lên. Các công thức được truyền miệng nhau về cách chiết xuất rượu từ bất cứ đâu có thể. Việc sử dụng chất thay thế rượu đã dẫn đến bùng phát ngộ độc lớn. Những kẻ buôn ma túy đã lộng hành và đó là thời điểm nghiện ma túy trở thành một vấn đề toàn cầu.
Nhưng thiệt hại lớn nhất là các vườn nho. Theo dữ liệu hiện có, khoảng 30% ruộng nho đã bị phá hủy - con số này nhiều hơn 1/3 so với thiệt hại trong Thế chiến II. Ngân sách nhà nước thất thoát do giảm doanh thu bán rượu trong năm 1985-1990 lên tới 39 tỷ rúp; tiền bán rượu chiếm 1/4 ngân sách thu. Cuộc khủng hoảng năm 1987 buộc chiến dịch phải dừng lại, nhưng rượu vẫn được bán theo phiếu cho đến khi Liên Xô sụp đổ, mặc dù nó có thể được mua trong các quán cà phê và nhà hàng với giá cắt cổ. Ngay sau khi Liên Xô tan rã, các nước cộng hòa độc lập thực sự chìm trong rượu chất lượng thấp được được mang đến từ các nước khác. Người ta ước tính, vào thời điểm đó, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia trên đầu người là hơn 16 lít mỗi năm./.