Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Liên Xô từng được đánh giá là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê và thông tin do chính quyền Liên Xô cung cấp, sau chiến tranh Liên Xô đã đạt hiệu quả cao trong việc chống lại các bệnh do virus gây ra và hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bao giờ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng dịch tễ.
Tuyên truyền vệ sinh cá nhân và các chiến dịch tiêm chủng đã góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe toàn dân. Tuy nhiên, nếu xét theo thói quen sinh hoạt của người dân Liên Xô, rất khó để khẳng định chắc chắn rằng số ca lây nhiễm chỉ ở mức thấp.
Những thách thức lớn mà Liên Xô phải đối mặt sau chiến tranh
Thách thức đầu tiên nếu nói về các bệnh lây nhiễm là bệnh cúm Nga, lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1977 và kéo dài đến năm 1979.
Chủng cúm Nga giống đến 99% chủng cúm H1N1. Đây là lý do tại sao người ta cho rằng phần lớn bệnh nhân là những người trẻ dưới 25 tuổi, những người chưa bao giờ tiếp xúc với H1N1 – vốn đã hiện hữu trên toàn thế giới trong những năm 1940-1950. Tuy nhiên, liên quan đến số người nhiễm bệnh và số người chết sau đó, hầu như không thể nói điều gì chắc chắn 100%. Tại sao? Điều này được giữ bí mật tuyệt đối. Vẫn chưa có dữ liệu toàn diện về đợt bùng phát dịch cúm này.
Đó cũng là lý do có rất nhiều tin đồn. Có người nói rằng số người chết vì căn bệnh này ở Liên Xô đã vượt quá 1 triệu người. Những người ủng hộ thuyết âm mưu thậm chí cho rằng, dịch cúm Nga có nguồn gốc nhân tạo và nhằm mục đích giết chết thanh niên.
Nếu nhìn vào thực tế tỷ lệ tử vong do cúm ước tính trên toàn thế giới, ở mức 5-6 ca trong 100.000 trường hợp mắc bệnh, có thể suy ra số người chết không cao như vậy.
Không phải mọi thứ đều hoàn hảo
Liên quan đến vệ sinh, không phải mọi thứ ở Liên Xô đều hoàn hảo. Ví dụ đầu tiên là máy pha soda, được phổ biến rộng rãi trên khắp Liên Xô. Ai không muốn một ly soda lạnh vào một ngày hè nóng nực? Nhưng vấn đề là những chiếc máy này chỉ được trang bị 1-2 ly thủy tinh để uống. Người phương Tây bình thường sẽ coi là vệ sinh kém, tuy nhiên, người dân Liên Xô không quan tâm nhiều về điều đó.
Những chiếc cốc này có thể dễ dàng mang virus. Vào cuối những năm 1970, bệnh cúm ở Nga có thể dễ dàng lây truyền qua những chiếc cốc đó, nhưng không có dữ liệu cho thấy mối liên hệ giữa các máy pha soda và sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.
Một vấn đề khác có thể gây sốc (đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay) là các ống tiêm có thể tái sử dụng. Phương pháp phổ biến nhất để khử trùng những ống tiêm đó là đun sôi chúng. Tuy nhiên, việc đun sôi không đảm bảo vô trùng, vì nhiều loại virus như viêm gan B hoặc C vẫn có thể sống sót ở nhiệt độ sôi.
Điều gì đằng sau thành công của Liên Xô trong việc ngăn chặn dịch bệnh?
Mùa hè năm 1970 được đánh dấu bằng đợt bùng phát dịch tả ở miền Nam Liên Xô. Thành phố Astrakhan là tâm dịch. Cho đến cuối tháng 8, gần 200.000 người đã được chủng ngừa, trong khi hàng nghìn cư dân địa phương và khách du lịch phải cách ly. Nhờ các biện pháp kịp thời, dịch bắt đầu suy yếu vào đầu tháng 9. Đó được cho là chìa khóa thành công.
Hơn nữa, các nhà chức trách Liên Xô đã không thực hiện nửa vời mà sử dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn các đợt bùng phát. Ví dụ, trong trường hợp dịch tả, 3.000 binh sĩ đã được cử đến Astrakhan để giữ trật tự và giám sát việc tuân thủ kiểm dịch. Quân đội cũng được điều đến Crimea và Odessa.
Một yếu tố quan trọng khác trong thành công của Liên Xô là chiến dịch tiêm chủng. Những người sinh ra ở Liên Xô sau chiến tranh đã được tiêm phòng bệnh lao, bạch hầu và bại liệt. Theo thời gian, vaccine ngừa ho gà, uốn ván, sởi và quai bị đã được bổ sung vào danh sách bắt buộc. Khi xảy ra các đợt bùng phát dịch, các chiến dịch tiêm chủng đã tăng tốc (như trong trường hợp dịch tả), do đó ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu.
Chương trình tiêm chủng cũng đi kèm với một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về bệnh tật và vệ sinh cá nhân. Những khẩu hiệu như “Hãy rèn luyện mình nếu bạn muốn khỏe mạnh” (điều kiện để trở nên mạnh mẽ và khỏe mạnh) hoặc “Hãy mua khăn tắm và bọt biển! Hãy dùng xà phòng!” đã trở thành cách nói của mọi người dân Liên Xô và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hoạt hình Liên Xô là một thành phần không thể thiếu của chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng. Hầu như không thể tìm thấy một người sinh ra ở Liên Xô chưa bao giờ xem phim hoạt hình ‘Moydodyr’. Bản thân bộ phim hoạt hình này dựa trên những câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Korney Chukovskiy viết cho thiếu nhi khuyến khích thực hành vệ sinh.
Một ví dụ khác là một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Liên Xô có tựa đề “Chú hà mã sợ tiêm phòng”, kể về một chú hà mã sợ tiêm đến mức trốn khỏi bệnh viện. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị ốm và được đưa trở lại trên cáng đến bệnh viện, khi đó hà mã đỏ mặt vì xấu hổ trước các bác sĩ. Vì vậy, ý tưởng của phim hoạt hình là để trẻ em cũng như những người khác biết rằng không có gì đáng sợ khi tiêm chủng.
Mặc dù thiếu dữ liệu về các trường hợp lây nhiễm, hệ thống kiểm soát dịch bệnh của Liên Xô vẫn được đánh giá là rất hiệu quả trong việc kiểm soát và xóa các bệnh truyền nhiễm ở vùng dịch./.