Cuộc “khai vị” trên lãnh thổ kẻ thù
Các sinh viên tốt nghiệp trường tình báo Xô viết ngay từ những ngày đầu tiên đã biết rằng buổi làm quen đầu tiên khi tiếp xúc đều bắt đầu bằng việc uống rượu. Cách ngôn đùa của Tướng Leonid Shebarshin - người từng đứng đầu tình báo Liên Xô - rằng, các đặc vụ nên đổi từ “chiến dịch” (“оперативный”) thành “khai vị" (“аперитивный”) đã trở nên phổ biến, mô tả hoàn hảo các các hoạt động của điệp viên, trong đó người ta không thể làm gì nếu không có các bữa tiệc tối và các cuộc gặp gỡ thân thiện trên lãnh thổ của kẻ thù. Bầu không khí thân mật với một ly đồ uống ngon sẽ giúp bắt chuyện đối phương, buộc đối phương phải chia sẻ những thông tin cần thiết.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận công việc đã được ghi nhận bởi sở tình báo "Mossad" của Israel - nơi chưa bao giờ có văn hóa uống rượu. Để nâng cao hiệu quả của nhân viên, giới lãnh đạo tình báo thậm chí còn giới thiệu các khóa học đặc biệt cung cấp những kiến thức cơ bản về nếm thử, khả năng tương thích của một số loại đồ uống với thực phẩm và lượng tiêu thụ cho phép. Cuối khóa học, các "đặc vụ Mossad" tiềm năng được kiểm tra, thể hiện kỹ năng của họ trong bữa tiệc tốt nghiệp. Rượu làm thư giãn, tuy vậy, có thể dẫn đến mất kiểm soát và điệp viên dễ bị lộ sau đó.
Tình báo Liên Xô uống rượu không say?
Theo như Vyacheslav Shcherbakov - một cựu sĩ quan Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) - đã viết trong hồi ký của mình, chỉ có hai loại người không uống rượu - người bệnh và "kẻ phá đám". Và vì bất kỳ đặc vụ nào cũng không muốn mình thuộc hai nhóm đó, nên kỹ năng uống rượu để không say hoặc say nhưng không xỉn, tiếp tục kiểm soát được bản thân là một trong những điều quan trọng nhất mà một nhân viên KGB phải có.
Ngày nay, vẫn còn những tin vịt được ai đó tung ra về những viên thuốc thần kỳ mang tên "RU-21", được cấp cho mọi tình báo viên để họ không bị say... Shcherbakov trong hồi ký của mình không bao giờ đề cập đến điều gì tương tự như vậy. Yuri Kobaladze - người từng làm việc trong ban Giám đốc Tổng cục 1 của KGB Liên Xô - trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng, không có thuốc gì thuộc loại này từng lưu hành trong các cơ quan mật vụ của Liên Xô và "đồng nghiệp" nước ngoài của họ.
Tuy nhiên, hầu hết mỗi điệp viên làm việc ở nước ngoài đều có công thức riêng để nhanh chóng giải tỏa cảm giác nôn nao hay nhanh chóng phục hồi sau cơn say của ngày hôm trước. Tùy thuộc vào đặc điểm ẩm thực của quốc gia nơi điệp viên hoạt động, các công thức “giải rượu” khác nhau đáng kể. Ở Anh, người ta sử dụng một hỗn hợp có vị ngọt của nước cà chua, lòng đỏ trứng gà và một vài giọt rượu cognac; ở Đức - cá ngâm với hành tây và sữa chua; ở Trung Quốc, rượu vodka, rượu cognac hay whisky luôn được uống cùng với trà xanh, giúp thải chất cồn ra khỏi cơ thể; ở Mexico - vào buổi sáng, ăn súp thịt bê đặc và rất cay với bột ngô; ở Phần Lan, thay vì say xỉn, người ta đi tắm hơi…
Nhưng học để không say có được không? Có một số phương pháp giảm thiểu tác động của rượu đối với cơ thể đã được khoa học chứng minh. Nhưng trước khi nói về chúng, cần xóa bỏ một số huyền thoại đã được thiết lập vững chắc trong tiềm thức. Ví dụ, một quả trứng sống hoặc một muỗng canh dầu uống trước khi “vào cuộc” sẽ giúp người ta uống mà không bị say; hoặc những thực phẩm giàu chất béo sẽ “phủ” lên dạ dày và cản trở quá trình hấp thụ rượu... Trên thực tế, không có cách nào trong số này giúp người ta uống nhiều mà không bị say.
Những lời khuyên sau đây của các cựu sĩ quan KGB hiệu quả hơn nhiều: một bữa ăn nhẹ có nhiều gia vị và một ngụm vodka - dùng một giờ trước bữa tiệc. Trong trường hợp này, cơ thể sẽ bắt đầu sản xuất trước các enzym phân hủy rượu, và cơn say sẽ đến chậm hơn. Dùng chất hấp phụ hoặc viên nén - than hoạt tính là cách tốt nhất để bình thường hóa công việc của bộ máy tiêu hóa trước khi bị “khó chịu”. Vitamin C - chanh, trái cây họ cam quýt, hành tây - tất cả những thực phẩm này đều rất giàu vitamin C, có tác dụng ngăn ngừa say.
Không trộn lẫn đồ uống - không nên pha trộn các loại đồ uống khác nhau, đặc biệt là đồ uống có ga. Di chuyển nhiều hơn - một người chỉ ngồi vào bàn, ăn và uống, say nhanh hơn một người tham gia các cuộc thi và khiêu vũ. Theo nhiều cựu sĩ quan tình báo, những nguyên tắc đơn giản này đã giúp họ nhiều hơn những viên thuốc thần thoại; tất cả những mánh khóe kinh nghiệm của các sĩ quan tình báo Liên Xô đều đúc rút từ văn hóa tiệc tùng của Nga, dạy các chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng phải nghỉ ngơi hợp lý và kiểm soát tình hình một cách khoa học.
Vượt qua máy phát hiện nói dối
Người ta nghiệm thấy, lời nói dối luôn đi đôi với nỗi sợ bị phát hiện, và nỗi sợ hãi luôn gây ra phản ứng, mặc dù đôi khi không thể nhận ra từ vẻ ngoài, nhưng có thể bị phát hiện bởi các thiết bị vì phản ứng phản xạ với nỗi sợ hãi là không thể tránh khỏi. Máy phát hiện nói dối (đa đồ, đa tuyến) là một trong những máy phân tích về các quá trình sinh học xảy ra trong cơ thể con người. Hơi thở, nhịp tim, huyết áp, thay đổi độ dày của mạch máu, mồ hôi và các chỉ số khác của đối tượng được ghi lại và nghiên cứu bởi một chuyên gia có trình độ.
Trước đây, khi các máy đa đồ không quá hoàn hảo và chỉ đọc được hơi thở và nhịp tim, chúng không phải lúc nào cũng cho kết quả chuẩn một trăm phần trăm. Nếu đối tượng có thể giảm căng thẳng một cách hiệu quả khi nói dối, biết cách tin vào lời nói dối của chính mình và không cảm thấy sợ bị lộ thì thiết bị có thể không nhận biết sự lừa dối. Việc FBI và CIA sử dụng máy đa đồ vào giữa thế kỷ 20 đã đặt ra một thách thức mới cho tình báo đối ngoại của Liên Xô - không để bị máy vạch rõ chân tướng.
Đây là cách mà đặc vụ Rudolf Abel đã bị phát hiện và bị bắt năm 1957. Nực cười là sau khi bắt, người Mỹ không hiểu điệp viên bị bắt đã hoạt động phục vụ lợi ích nước nào. Điệp viên im lặng và không đưa ra bất cứ lời khai nào. Sau khi bật máy phát hiện nói dối, các điều tra viên bắt đầu đưa ra cho Abel những bức ảnh chụp các quốc gia khác nhau. Nhìn thấy các bức ảnh chụp Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ và rừng bạch dương của Nga, điệp viên đã phản ứng và bị “hở lưng”. Abel không thể chống lại, mặc dù anh ta đã chuẩn bị hoàn hảo.
Các sĩ quan tình báo Liên Xô đã trải qua các khóa huấn luyện nghiệp vụ trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, bao gồm các phương pháp để có thể dễ dàng đánh lừa máy phát hiện nói dối và giúp tránh để rò rỉ thông tin có giá trị cho đối phương. Các nhà tâm lý học nhiều lần nhấn mạnh sự khiếm khuyết của máy phát hiện nói dối mà biết được, hoàn toàn có thể chiến thắng nó. Các sĩ quan tình báo Liên Xô làm việc trực tiếp dưới vỏ bọc được dạy phải giữ bình tĩnh trong những tình huống bị kiểm tra.
Không chỉ những người có kiểu tâm lý phù hợp mới được nhận vào làm đặc vụ, họ còn được huấn luyện để vượt qua các bài kiểm tra căng thẳng và được cung cấp các kiến thức tối thiểu về máy phát hiện nói dối. Các điệp viên tương lai được đào tạo và huấn luyện để hoạt động như các diễn viên - đảm nhận vai diễn và chỉ đơn giản là quên đâu là sự thật và đâu là lời nói dối. Nhưng để có thể quen với vai diễn như vậy cần thần kinh thép.
Các tình báo viên cũng được huấn luyện sử dụng cái gọi là phương pháp giải mẫn cảm - làm mất tính cáu kỉnh. Một người được hỏi cùng một câu hỏi hàng chục lần, anh ta ngừng trả lời câu hỏi đó, và sau đó có thể trả lời bất cứ điều gì muốn. Và điều này sẽ không được máy phát hiện nói dối ghi lại, vì câu hỏi "trở nên nhàm chán", nội dung của nó không còn gì phải lo lắng nữa. Biết được câu hỏi mà anh ta có thể được hỏi, điệp viên chuẩn bị tinh thần cho mình và mất nhạy cảm với những câu hỏi như vậy.
Có những ví dụ thành công nổi tiếng, trong đó các sĩ quan tình báo, được đào tạo theo phương châm "để lừa thành công một máy phát hiện nói dối, phải lừa dối chính mình," đã đạt được kết quả mong muốn. Một đặc vụ người Séc từng làm việc tại Mỹ cho tình báo Tiệp Khắc và Liên Xô, đã tìm cách thâm nhập vào CIA, cho biết, anh ta đã chiến thắng khi chỉ nghĩ về những bánh nhỏ xinh của Séc với hạt anh túc mà anh yêu thích trong quá trình bị kiểm tra - nó làm giảm căng thẳng.
Các điệp viên có thể hoạt động rèn luyện thể chất; tập luyện trong thời gian dài giúp tránh ngay cả nhịp tim tăng nhanh. Một số phương pháp sau cũng đã được sử dụng rộng rãi để vượt qua máy phát hiện nói dối. Trong tình thế tuyệt vọng, các điệp viên phải dùng đến thuốc kích thích thần kinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ - các chỉ số sẽ dao động rất mạnh hoặc không thay đổi và máy không nhận ra lời nói dối. Có điệp viên Liên Xô tự làm mình bị thương để đánh lừa máy dò - đặt đinh ghim vào giày hoặc dùng ngón tay ấn vào nó. Bằng cách lặp lại thao tác này với mọi câu hỏi, người bị kiểm tra đã đánh lừa thành công chiếc máy phát hiện nói dối.
Các trinh sát cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ, nói đùa và tán gẫu về nhiều chủ đề khác nhau. Điều này gây khó khăn cho máy và người dò tìm thông tin thiếu logic. Đôi khi các điệp viên cũng sử dụng phương pháp thư giãn toàn thân, cố gắng thiền hoặc tập trung hoàn toàn vào các vấn đề toán học. Trạng thái tách rời cũng đánh lừa máy phá hiện nói đôi - rất khó nhận ra những thông tin không chính xác trong bài phát biểu của đối tượng bị kiểm tra.
Bắt giữ đặc vụ nước ngoài
Việc xác định, bắt giữ các điệp viên làm việc cho tình báo nước ngoài đã và vẫn là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Các điệp viên ở mọi thời điểm được phân biệt bởi sự tài tình, ranh mãnh của họ. Đó là lý do tại sao các chiến sĩ biệt đội “Alpha” mặc cho những kẻ tình nghi hợp tác với kẻ thù bộ đồ thể thao của ngành mình. Trong thực tế, Nga đã lột trần những người bị bắt từ lâu. Các công dân, kể cả phụ nữ và tù nhân Liên Xô bị bắt cũng bị lột trần truồng khám xét theo cách tương tự. Các biện pháp đó chủ yếu là để đảm bảo an ninh cho quân nhân, nhân viên an ninh, nhân viên bảo vệ và các nhân viên của các cơ quan công quyền khác.
Nhưng việc cởi quần áo của những người bị bắt giữ vì nghi ngờ hợp tác với các cơ quan mật vụ của đối phương chủ yếu liên quan đến việc bảo toàn tính mạng của nghi phạm. Igor Atamanenko - tác giả cuốn “"Cạm bẫy mật ong" - Câu chuyện về ba lần phản bội" - xác nhận rằng, vào những năm 1970, KGB đã ban hành một lệnh, theo đó các chiến sĩ của lực lượng đặc biệt Alpha tham gia vào các vụ bắt giữ như vậy, có nhiệm vụ lột trần nghi phạm và khám xét kỹ lưỡng tất cả các hốc trên cơ thể. Vì người bị bắt không có trang phục dự phòng, vì vậy hầu hết họ thường mặc một bộ đồ thể thao của lực lượng Alpha.
Mệnh lệnh trên ra đời sau cái chết của nhà ngoại giao Liên Xô Alexander Ogorodnik. Như Igor Antsyshkin viết trong cuốn sách "200 vụ đầu độc nổi tiếng" - đặc tình CIA Ogorodnik (mật danh Trianon) bị bắt vào tháng 6/1977, gần như ngay lập tức đồng ý hợp tác. Được phát một tờ giấy, Ogorodnik ngồi vào bàn, viết: “Kính gửi Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô… Giải trình…. Tôi, Ogorodnik Alexander Dmitrievich, thừa nhận...” Sau khi thực hiện một số thao tác với chiếc bút bi, Trianon đột nhiên thở khò khè và trượt khỏi ghế ngồi, y không có thời gian để viết bất cứ điều gì thêm... Ogorodnik đã tự kết liễu mạng sống của mình với sự trợ giúp của một ống thuốc chứa chất độc trong bút.
Viktor Popenko trong cuốn "Những chỉ dẫn bí mật của CIA và KGB về việc thu thập số liệu, âm mưu và thông tin sai lệch" cho biết, các đặc vụ thường khâu một ống thuốc độc vào góc cổ áo. Khi có nguy cơ bị bắt giữ, chỉ cần cắn cổ áo để khỏi rơi vào tay đối phương còn sống. Vì vậy, các nhân viên phản gián có kinh nghiệm biết được những thủ đoạn này, do đó, trước hết, họ không chỉ khóa tay mà còn ghì chặt đầu đối tượng, vì cần nghi phạm sống để khai thác thông tin quan trọng./.