Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm qua (24/01) nhấn mạnh, Triều Tiên phải đưa ra các cam kết cụ thể về kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân, bao gồm việc tháo dỡ tổ hợp hạt nhân chính cũng như cho phép các thanh sát viên quốc tế xác nhận tiến trình này, trong bối cảnh Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2019.

n_skorea_a_20171218_870x580_viux.jpg
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Ảnh: Japan Times.

Bà Kang Kyung-wha đã nói với hãng tin Reuters khi tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos rằng bà lạc quan tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ đồng ý sẽ có các bước cụ thể hướng tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Theo Ngoại trưởng Kang Kyung-wha, đây là một thách thức không hề nhỏ nhưng với ý chí chính trị mạnh mẽ của các bên liên quan thì hoàn toàn có thể mong đợi về những kết quả cụ thể.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018 đã có cuộc gặp lần đầu tiên tại Singapore. Nhà Trắng tuần trước vừa xác nhận, một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2/2019, song không tiết lộ địa điểm.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm qua (24/1) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra chỉ thị chuẩn bị ở cấp độ làm việc cho cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ sắp tới và bày tỏ tin tưởng vào cách suy nghĩ tích cực của Tổng thống Trump.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên với Mỹ là sẽ hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên", song đến nay các cuộc thảo luận về cách thức thực hiện những cam kết mơ hồ này đã bị đình trệ.

Mỹ đang yêu cầu hành động cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, như công khai đầy đủ các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trước khi nhất trí với các mục tiêu chủ chốt của Bình Nhưỡng là nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn cũng như chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh vì xung đột kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, không phải là một hiệp ước hòa bình./.