Cụ thể, luật sửa đổi sẽ cấm các công ty nước ngoài sở hữu đa số cổ phần trong các công ty truyền thông Ba Lan. Theo đó, chỉ các thực thể có trụ sở chính tại các quốc gia thuộc khu vực kinh tế châu Âu (EEA) mới có thể được cấp giấy phép phát sóng tại Ba Lan.

Chính phủ Ba Lan lập luận rằng, các quy định sửa đổi nhằm ngăn chặn các thế lực thù địch nước ngoài nắm quyền kiểm soát các đài truyền hình của Ba Lan.

Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, dự luật sửa đổi được cho là nhằm loại bỏ TVN, kênh truyền hình độc lập lớn nhất của Ba Lan nhưng do tập đoàn truyền thông Discovery của Mỹ sở hữu. Hiện TVN đang cố gắng gia hạn giấy phép sẽ hết hạn vào 26/9 tới. Nếu không được gia hạn, Discovery có thể bị buộc phải bán lại kênh truyền hình đang có hàng triệu khán giả Ba Lan theo dõi. TVN được biết đến là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ vào Ba Lan nhưng cũng là kênh truyền hình có xu hướng chỉ trích chính phủ Ba Lan.

Ngay sau khi Hạ viện Ba Lan thông qua dự luật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại sâu sắc khi cho rằng, vụ việc có thể gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Ba Lan, đồng thời kêu gọi Tổng thống Ba Lan không ký ban hành dự luật. Hiện dự luật đang được chuyển sang Thượng viện xem xét trước khi trình Tổng thống ký ban hành.

Trước đó, quá trình thảo luận dự luật đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều người dân Ba Lan và các thượng nghị sĩ của Mỹ. Ngày 10/8, hàng nghìn người trên khắp Ba Lan đã xuống đường biểu tình để bảo vệ quyền tự do truyền thông và phản đối dự luật. Tuần trước, một nhóm các thượng nghị sĩ của Mỹ cũng cảnh báo Chính phủ Ba Lan không nên thông qua đạo luật vì cho rằng nó sẽ cản trở quan hệ thương mại và quốc phòng Ba Lan-Mỹ.

Dự luật cũng khiến liên minh cầm quyền Ba Lan bị rạn nứt. Ngày 10/8 Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã ký một kiến nghị cách chức Phó Thủ tướng Jaroslaw Gowin và gửi lên Tổng thống sau khi lãnh đạo của đảng Thỏa thuận đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với dự luật và các kế hoạch khác của chính phủ. Theo ông Gowin, dự luật là một cuộc tấn công vào sự đa dạng của phương tiện truyền thông./.